Kinh tế

Tăng tốc xây dựng cao tốc

Nhóm phóng viên 08/04/2024 07:00

Càng ngày vật liệu san lấp và đắp nền xây dựng cao tốc càng trở thành vấn đề lớn. Những giải pháp được doanh nghiệp, giới chuyên gia đề xuất như dùng cát biển, làm đường trên cao, hay tận dụng hàng chục triệu mét khối xỉ than của nhà máy nhiệt điện… đang chờ được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra câu trả lời.

anh-cv.jpg
Các địa phương đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc tuy nhiên vấn đề về vật liệu đắp nền đang gặp khó khăn, vướng mắc (Trong ảnh: Cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận). Ảnh: Quang Vinh.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ngay Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp. Trong đó có việc công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, hoàn thành trước ngày 10/4; và phương án nhập khẩu cát từ Campuchia làm vật liệu xây dựng Vành đai 3 TPHCM - báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/4/2024.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Một trong những lý do chính khiến nhiều dự án cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chậm tiến độ là do thiếu cát.

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang triển khai 8 dự án đường cao tốc, với tổng cộng 463km chạy qua 10 tỉnh. Các dự án này cần khoảng 53,7 triệu m3 cát san lấp nền. Trong đó, riêng trong năm 2024 khoảng 23,63 triệu m3.

Điều đáng nói là hầu hết các dự án khu vực này đều rơi vào cảnh thiếu cát san lấp. Báo cáo của UBND TP Cần Thơ cho biết, triển khai dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tổng chiều dài 37,4km - dù đã được tỉnh An Giang hỗ trợ 2,3 triệu m3 nhưng vẫn thiếu khoảng 4,7 triệu m3 cát.

Tương tự, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư cam kết cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành, nhưng tới nay vẫn thiếu 3 triệu m3 cát chưa xác định được nguồn khai thác. Hiện mới đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cát san lấp nền đường.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - nhà thầu được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương giao cho thực hiện 5 dự án ở ĐBSCL cho biết, các dự án đều thiếu nghiêm trọng cát đắp nền đường. Trong khi đó, báo cáo của các địa phương vùng ĐBSCL, thiếu cát thi công là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cho biết, tình trạng thiếu cát san lấp mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ thực hiện nhiều công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn, khi mà cần tới 1,7 triệu m3 cát để san lấp. Còn theo ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, để đáp ứng đủ vật liệu cát phục vụ san lấp các công trình, dự án trọng điểm trong thời gian tới, tỉnh cần trên 2,5 triệu m3 cát.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thiếu cát xây dựng cao tốc, thì đối với ĐBSCL còn là vấn thiết kế, lựa chọn vật liệu nền đường phù hợp và tuân thủ các quy định xây dựng. Trong đó, khâu đầu tiên là nền đường an toàn liên quan tới điều kiện địa chất và khí hậu của khu vực (nền đất yếu, nhiều kênh rạch, lượng mưa cao, triều cường xâm nhập sâu...). Điều đó liên quan trực tiếp tới sử dụng loại vật liệu gì, giải pháp công trình nào phù hợp nhất, tiết kiệm nhất, đồng thời không bị động, quá phụ thuộc vào vật liệu đắp nền chỉ là cát sông.

anhbaitren67.jpeg
Khảo sát tình hình khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Nguồn: TCGT.

Vành đai 3 TPHCM cũng thiếu vật liệu đắp nền

Cùng với miền Tây Nam Bộ, thì việc cung cấp đủ cát đắp nền cho dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM cũng đang rất căng thẳng. Do nguồn cung cấp cát không kịp thời nên nhiều đoạn đường vẫn chưa thể thi công.

Phát biểu tại cuộc họp mới đây do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, có sự tham gia của một số bộ ngành, địa phương nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng đối với dự án Vành đai 3 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 9,3 triệu m3. Trong đó, riêng năm 2024 là 6,5 triệu m3 (riêng TPHCM là 4,7 triệu m3).

Tuy nhiên, các nhà thầu thi công dự án đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường, do các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và đường cao tốc Bắc - Nam. Chính vì thế, TPHCM kiến nghị các địa phương điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc khác sang cho dự án đường Vành đai 3; rút ngắn thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát.

Theo tiến độ dự án được UBND TPHCM đưa ra, đường Vành đai 3 cần khối lượng cát đắp nền trong năm nay, cụ thể: tháng 4 là 450.000m3; tháng 5 là 330.000m3; tháng 6 - 8 là 2,3 triệu m3; tháng 9 - 12 là 3,4 triệu m3.

Điểm tích cực là tại cuộc họp, một số địa phương cũng đưa ra khả năng cung ứng cát san lấp cho dự án Vành đai 3 TPHCM. Theo đó, dự kiến trong năm 2024, tỉnh Bến Tre sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3 và có thể cung cấp nhiều hơn cho TPHCM so với cam kết là 850.000m3.

Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang có thể đáp ứng cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM khoảng 6,3 triệum3. Riêng năm 2024 là 3,8 triệu m3. Cùng với đó, tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng dự kiến điều chuyển khoảng 400.000m3 cát khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Dự án Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Trong đó, Vành đai 3 ở TPHCM dài hơn 47km, qua TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng. Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm 2 dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Hiện các địa phương đang nỗ lực thi công để đáp ứng mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Một công trình hạ tầng lớn khác ở TPHCM là tuyến đường hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng chiều dài khoảng 64km cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng cát để san lấp và đắp nền, có thể ảnh hưởng tiến độ hoàn thành. Dự án này ước tính cần khoảng 1,8 triệu m3 cát.

Tìm giải pháp vật liệu thay thế

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông” do Bộ Xây dựng tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, nói: “Thiếu cát đắp nền ở ĐBSCL rất nhức nhối. Không phải chúng tôi kêu ca mà nêu ra để tìm giải pháp”.

Tương tự, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết việc triển khai các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL vô cùng khó khăn do khan hiếm nguồn cung cát đắp nền.

Nhìn chung nếu tình trạng thiếu cát đắp nền không được tháo gỡ, nhà thầu không thể đáp ứng tiến độ dự án, cũng không thể “nuôi quân”. Vì thế, việc rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ cát là vấn đề then chốt. Ở đây là trách nhiệm của UBND các tỉnh cũng như các chủ mỏ. Tuy nhiên, vấn đề giá cần phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh việc các chủ mỏ thao túng, liên kết nâng giá vật liệu.

Cùng đó, nhiều ý kiến đến từ nhà thầu xây dựng cho rằng Bộ GTVT và Bộ Xây dựng cần đưa các nội dung quy hoạch mỏ vật liệu đất, đá, cát vào phạm vi của dự án ngay từ đầu để thẩm định, cấp phép cho dự án. Phải coi mỏ vật liệu như một hạng mục của dự án mới khả thi. Đặc biệt, cần tính đến các phương án sử dụng các vật liệu khác như cát biển, tro xỉ nhiệt điện thay thế cát sông, hoặc sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp.

Cũng chính vì thế mà Công ty cổ phần Tập đoàn TNT (Hà Nội) đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị cho phép nhập khẩu cát từ Campuchia về phục vụ các dự án đường cao tốc tại ĐBSCL, như một giải pháp bổ sung cho nguồn cát thiếu hụt. Vấn đề này sẽ được “gút” lại trước ngày 30/4/2024.

Theo đánh giá của doanh nghiệp (DN), điều đáng lo ngại hiện nay là nguồn cát san lấp chủ yếu cho các tuyến đường này được khai thác trên hai tuyến sông chính của ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cũng chính từ việc thiếu vật liệu đắp nền nên đã xảy ra hành vi tiêu cực.

Mới đây nhất, ngày 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam: Đỗ Thị Thu Hiền (ngụ phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Phạm Văn Cảm (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin ban đầu cho thấy, nhằm tạo lòng tin cho DN, 2 đối tượng trên đã tự xưng là DN hoạt động lĩnh vực khai thác cát có quen biết với nhiều lãnh đạo, có thể giúp các DN xin được giấy khai thác mỏ cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Các đối tượng đã nhận và chiếm đoạt trên 17 tỷ đồng của một số DN. Hiện Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Được biết, riêng trong năm nay, các dự án lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần tới 9,3 triệu m3 cát san lấp.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL sẽ gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm ở phía Nam sông Hậu vừa được khởi công. Tuyến thứ hai là cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km nằm ở phía Bắc sông Hậu. Còn lại trục ngang cuối cùng sẽ kết nối Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km.
Trong khi đó, tuyến cao tốc trục dọc đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245km từ Long An đến Cà Mau. Trục dọc thứ 2 là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km. Cuối cùng là tuyến cao tốc từ TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km, là một trục dọc phía Đông, kết nối các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Nhóm phóng viên