An toàn thực phẩm ngày hè
Thông tin từ Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, riêng trong tháng 3, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc.
Trước thực tế đáng báo động đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ mất ATTP, phòng chống ngộ độc. Đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa hè từ tháng 4 đến tháng 8.
Cục ATTP cũng đề nghị ngành y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đồng thời công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm.
Nếu như hồi đầu tháng 1, vụ ngộ độc thực phẩm do một quán bánh mỳ ở Hội An (Quảng Nam) khiến 150 người phải nhập viện từng được coi là “khủng nhất”, thì tới giữa tháng 3 vụ ngộ độc từ một quán cơm gà ở Nha Trang (Khánh Hòa) còn lớn hơn rất nhiều, khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị.
Cho dù sau mỗi vụ ngộ độc thực phẩm, cơ sở vi phạm đều bị tạm thời đóng cửa, bị xử phạt nhưng đáng tiếc là những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn không chấm dứt. Bằng chứng là chỉ sau hơn 20 ngày xảy ra vụ ngộ độc lớn từ một quán cơm gà, thì cũng tại thành phố Nha Trang 1 bé gái học lớp 5 đã tử vong được cho là do ngộ độc từ việc ăn sushi, cơm gà tại một số cơ sở bên ngoài. Cùng thời điểm đầu tháng 4, tại Bình Dương, 49 người phải nhập viện do đau bụng, tiêu chảy...
Nhiều nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là vào mùa hè khi thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ kém; thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Nhưng, lo đến mấy thì vẫn phải ăn uống để tồn tại. Vấn đề đặt ra là làm gì để ngăn chặn rủi ro. Trong gia đình, trước hết là ý thức của người nội trợ. Không nên vì ham rẻ mà mua những loại thực phẩm ôi thiu. Với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm càng phải nghiêm túc hơn, không thể vì lợi nhuận mà vô tình đầu độc cộng đồng. Cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên, riết róng những cơ sở chế biến, kinh doanh đồ ăn thức uống, nhất là với thức ăn đường phố. Không phải chỉ đợi đến khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mới kiểm tra, xử phạt, mà quan trọng hơn là phải ngăn chặn được nó.
Mùa hè cũng là mùa du lịch sôi động, cũng chính vì thế mà công tác vệ sinh ATTP càng phải được quan tâm nhiều hơn. Không thể để các điểm du lịch trở thành nỗi ám ảnh về đồ ăn thức uống. Ẩm thực ngon vùng miền kích thích du lịch nên càng phải bảo đảm an toàn. Những điểm du lịch là nơi tập trung đông người, nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì sự ảnh hưởng sẽ rất lớn.
Cũng cần nhắc lại mức xử phạt (quy định tại Nghị định 124/2021 của Chính phủ): Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với việc nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu vi phạm có tổ chức, làm chết người, gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người.
Mức xử phạt như vậy là rất nghiêm. Vấn đề là có chấp hành nghiêm hay không mà thôi.
Người xưa căn dặn “bệnh từ miệng mà vào, vạ từ miệng mà ra”. Ở đây chính là nỗi lo cần phải liên tục cảnh báo về ATTP cho tất cả mọi người.