Kinh tế

Tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Khanh Lê 08/04/2024 07:36

Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được xem là bước đi cần thiết của doanh nghiệp (DN) Việt.

anhtren.jpg
Hiện cả nước mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Quang Vinh.

Số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng còn khiêm tốn

Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán, thì càng đòi hỏi những quy chuẩn, quy trình sản xuất chặt chẽ hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn...

Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng để kinh doanh thành công và nâng tầm thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có diễn ra xu hướng dịch chuyển kinh tế toàn cầu, xu hướng rời chuỗi cung ứng ra khỏi các khu vực có sự bất ổn về chính trị...

Tuy nhiên khảo sát mới nhất do VCCI thực hiện cho thấy, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Việt Nam vẫn được đánh giá thấp hơn so với các quốc gia trong ASEAN do tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp - những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất.

Theo thống kê, cả nước đang có khoảng 418 khu công nghiệp, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Đây được xem là dư địa cũng như cơ hội lớn cho các DN phát triển, liên kết. Tuy nhiên hiện có tới 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Mặc dù có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng đa phần trong số đó chưa tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của các DN lớn, tập đoàn đa quốc gia.

Thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, cả nước có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi cung ứng nội địa cũng đang gặp nhiều thách thức khi mà không ít DN vừa thiếu và yếu về nguồn lực và khả năng liên kết.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng uy tín của DN, giữ được khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới giúp DN tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm được thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó các DN cũng phải chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.

“Mỗi DN cần xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đây chính là chìa khóa giúp DN tạo ra sự khác biệt, chuyển từ xuất khẩu theo cung và cầu sang kinh doanh theo hướng bền vững" - ông Nguyễn Hoàng Phương - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á, Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Đề cập đến chính sách hỗ trợ cho DN, ông Lưu Văn Đại - Giám đốc Công ty cổ phần Metal Heat Việt Nam cho biết, dù nhận thấy nhiều cơ hội khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn là rất lớn nhưng để biến nó thành hiện thực với DN không hề đơn giản. “Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới không phải chuyện khó của DN Việt Nam. Vấn đề đau đầu nhất mà hầu hết DN cơ khí Việt Nam gặp phải là nhu cầu về vốn. Chính vì vậy, DN rất cần sự hỗ trợ vốn, chính sách tiếp cận vốn thông thoáng từ Nhà nước” - ông Đại đề xuất.

Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của DN, theo TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như nâng sức cạnh tranh cho các DN trong nước, Nhà nước cần hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực của DN, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của DN khởi nghiệp. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ đào tạo DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, về cách sử dụng công nghệ tốt nhất. Những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ của các DN được cải thiện và phát triển.

Khanh Lê