Văn hóa

'Giữ lửa' làng gốm 500 năm tuổi

Bài và ảnh: T.THÀNH- C.Đại 08/04/2024 08:19

Làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 500 năm. Làng nghề tồn tại và phát triển chính là nhờ tâm huyết, sự “giữ lửa” của những nghệ nhân nơi đây.

anh-2.jpg
Những sản phẩm gốm mộc chờ nung.

Độc đáo gốm Thanh Hà

Đến làng Thanh Hà, du khách không chỉ hòa mình vào trong không gian tĩnh lặng của làng quê yên bình, thơ mộng bên dòng sông Thu Bồn mà còn được chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm độc đáo được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Đi dọc phố cổ Hội An, du khách có thể cảm nhận rõ một bức tranh với màu nâu, vàng là chủ đạo… Đó là màu đất, màu gỗ và cũng là màu mái ngói sản phẩm được làm từ làng gốm.

Đến làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ được chứng kiến tay nghề của các nghệ nhân nơi đây với những tác phẩm gốm ấn tượng, đậm bản sắc riêng. Chưa hết, không chỉ được chiêm ngưỡng, khách du lịch còn được tìm hiểu quy trình làm gốm truyền thống và trực tiếp trải nghiệm khâu nặn gốm, tự tay nhào nặn những sản phẩm gốm cho riêng mình. Cũng chính vì vậy mà làng gốm Thanh Hà đã trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

anh-1.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm Thanh Hà.

Làng gốm Thanh Hà hình thành từ thế kỷ XVI. Nơi phát xuất của nghề gốm làng Thanh Hà là làng Thanh Chiêm, sau chuyển về phường Thanh Hà, TP Hội An. Trước đây, thời kỳ huy hoàng của làng gốm Thanh Hà là vào thế kỷ XVI – XVII, sản phẩm của làng được mệnh danh là “thổ sản quốc gia” dùng để tiến vua.

anh-4.jpg
Sản phẩm gốm Thanh Hà được bày bán ở địa phương.

Người dân làng Thanh Hà kể lại, xưa kia, những người thợ lành nghề khi di cư vào miền Nam, đến vùng đất Quảng Nam thấy thổ nhưỡng cùng khí hậu thuận lợi nên ở lại lập làng và phát triển nghề. Dẫu trải qua bao thăng trầm, làng gốm vẫn được các nghệ nhân “giữ lửa” và phát triển.

Ông Nguyễn Sáu, ở làng Thanh Hà, người có nhiều năm trong nghề cho biết: “Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang làm từ đất sét xanh, gốm Bát Tràng ở Hà Nội làm từ sét trắng, gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh từ đất sét vàng nâu, thì gốm của làng Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu dọc sông Thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Đất lấy về, người thợ phải trộn, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới đem ra chế tác, tạo nên các sản phẩm gốm Thanh Hà, càng danh giá hơn khi xưa, gốm Thanh Hà là sản phẩm tiến vua”.

Chia sẻ các công đoạn làm gốm, ông Sáu cho biết, để có nguyên liệu làm đồ gốm, người thợ phải đi mua đất sét về ủ và trộn nhuyễn để cho đất có độ dẻo kết dính cao, rồi tạo hình theo ý muốn của mình. “Trời nắng thì thuận lợi, còn mưa xuống rất vất vả, vì mỗi khi trời mưa, tôi phải đem các đồ đạc làm từ đất sét cho vào lò sấy khô, chứ để ở ngoài dễ hư hỏng” – ông Sáu nói.

anh5.jpg
Nghệ nhân đang tạo ra sản phẩm gốm Thanh Hà.

Tâm huyết “giữ lửa”

Làng Thanh Hà đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Thế nhưng, người dân nơi đây với lòng yêu nghề, sự tâm huyết đã “giữ lửa” cho làng nghề và để nó tồn tại phát triển hơn 500 năm qua.

Sản phẩm đồ gốm ở đây chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như: nồi đất, bình hoa, chậu, các loại hình con vật để làm quà lưu niệm… với nhiều kiểu dáng khác nhau và mẫu mã đa dạng. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm đồ gốm rất nhẹ thích hợp cho trưng bày ở trong các ngôi nhà.

Khi chúng tôi đến đây cũng là lúc bà Nguyễn Thị Thủy (một nghệ nhân ở phường Thanh Hà) đang dùng đôi tay thành thục của mình tạo hình chiếc nắp nồi đất trên bàn xoay. “Khâu tạo hình đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo của người thợ gốm. Các nghệ nhân ở đây đều mong muốn gắn bó và phát triển, truyền nghề cho người trẻ để làng gốm Thanh Hà luôn “đỏ lửa” - bà Thủy chia sẻ.

anh-3.jpg

Theo các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, ngoài được bày bán tại phố cổ Hội An, hiện nay sản phẩm gốm Thanh Hà được tiểu thương thu gom mang đi tiêu thụ khắp nơi trong nước và kể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. “Các du khách nước ngoài rất thích thú với sản phẩm gốm của chúng tôi nên ai đến đây cũng đều mua một số sản phẩm về làm kỷ niệm, làm quà. Tôi mong đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của làng gốm Thanh Hà, điều này không chỉ góp phần giữ nghề cho người dân làng gốm mà còn nâng cao thu nhập, thúc đẩy ngành du lịch của địa phương” - ông Sáu nói.

Theo ông Nguyễn Văn Nhật - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, các cơ sở sản xuất gốm dân dụng truyền thống chính là hạt nhân lưu giữ hồn cốt cho làng. Vì vậy, địa phương luôn khuyến khích người dân giữ gìn, phát huy, đồng thời tạo mọi điều kiện để cho làng nghề phát triển.

Hiện nay, làng gốm Thanh Hà có khoảng 32 cơ sở sản xuất với gần 100 lao động tham gia. Còn giá bán sản phẩm từ 15.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng 1 sản phẩm. Trung bình người lao động được trả tiền công mỗi tháng 6 đến 7 triệu đồng/người. Trong những năm qua, số lượng du khách đến tham quan làng gốm Thanh Hà ngày càng đông đúc, đó cũng chính là điều kiện để làng nghề phát triển.

Bài và ảnh: T.THÀNH- C.Đại