Văn hóa

Làm mới kịch xưa

Minh Quân 08/04/2024 09:21

Thời gian qua, một số nhà hát đã thử nghiệm chuyển thể các tác phẩm sân khấu, điện ảnh nổi tiếng của thế giới. Đây được xem là giải pháp trong bối cảnh khan hiếm kịch bản sân khấu chất lượng.

anhbaitren(2).jpg
Cảnh trong vở “Người lạ hoàn hảo” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHCC.

Hướng tiếp cận mới

Nhà hát Tuổi trẻ vừa cho ra mắt vở diễn “Người lạ hoàn hảo”, chuyển thể từ bộ phim cùng tên của tác giả, đạo diễn nổi tiếng người Ý Paolo Genovese. Tác phẩm này được coi là hiện tượng của thế giới qua việc nắm giữ kỷ lục Guinness cho bộ phim được làm lại nhiều nhất trong lịch sử với 30 phiên bản khác nhau tính đến nay của Ý, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Hàn Quốc... Đây cũng là lần đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ thương lượng bản quyền với đối tác từ Ý và chuyển thể kịch bản từ bộ phim lên sân khấu, nhằm mục đích giới thiệu đến đông đảo khán giả yêu nghệ thuật một vở diễn có giá trị đương đại ở tầm cỡ quốc tế.

NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, trong năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục trình diễn và cho ra mắt một số các vở diễn có yếu tố quốc tế như nhạc kịch thiếu nhi “Đứa con của yêu tinh”, “Zorba, chú mèo thám tử”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, “Giải cứu bà nội”... Thông qua các vở diễn, Nhà hát muốn đẩy mạnh việc hội nhập, hợp tác nghệ thuật quốc tế. Qua đó giới thiệu tới khán giả trong nước những tác phẩm có chất lượng, nội dung đặc sắc, ngôn ngữ thể hiện mới mẻ theo xu hướng sân khấu đương đại, thể hiện rõ nét sứ mệnh của một đơn vị nghệ thuật luôn nỗ lực và tiên phong trong việc sáng tạo, phục vụ khán giả trẻ.

Việc chuyển thể các tác phẩm kinh điển của thế giới có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm không mới với sân khấu Việt Nam. Thế nhưng với những thay đổi thử nghiệm, nhiều vở diễn lại đang tạo ra hiệu ứng tích cực từ khán giả. Trước đó, sân khấu Lệ Ngọc cũng đã thành công khi dàn dựng lại vở “Lôi Vũ” của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc) với một phiên bản mang đậm màu sắc Việt Nam. Vở diễn không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn góp mặt tại “Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - ASEAN”. Ngoài ra, còn có thể kể đến vở diễn “Quan thanh tra” của Nhà hát Kịch Việt Nam được dàn dựng dựa trên kịch bản của nhà viết kịch nổi tiếng cuối thế kỷ XIX Gogol; “Ả cave nhà hàng Maxim” - một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau với hàng trăm xuất diễn...

Giải “cơn khát” kịch bản

Trong xu thế giao lưu hội nhập với quốc tế, nhiều loại hình sân khấu của Việt Nam đang được các nghệ sĩ Việt tìm cách làm mới, nhằm đáp hứng thị hiệu của công chúng. Ở chiều ngược lại, nhiều hình thức thể hiện khác của nghệ thuật sân khấu thế giới cũng được các đạo diễn nước ngoài thực hiện trên các sân khấu hợp tác với Việt Nam.

Về vấn đề này, NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam bày tỏ, thiếu kịch bản hay là câu chuyện muôn thuở, nhưng nói các nhà hát phải tìm đến những kịch bản kinh điển vì không tìm thấy kịch bản đương đại có chất lượng để dàn dựng thì không đúng. Bà Mai cũng cho rằng, các nhà hát tìm đến với những kịch bản kinh điển là bởi vì muốn giới thiệu đến với một thế hệ khán giả mới, khán giả trẻ những vở diễn xuất sắc mà thế giới đã có. Một nền văn hóa phải bao gồm cả quá khứ, hiện tại, trong đó việc sân khấu dựng lại các vở diễn nổi tiếng, kinh điển trong quá khứ như là một sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, là một việc làm cần được cổ vũ.

Không thể phủ nhận việc dựng lại những kịch bản kinh điển là một trong những thành tựu của sân khấu Việt Nam. Ở đó, ngoài xu hướng dựng theo cung cách vận dụng thủ pháp ước lệ, cách điệu của sân khấu kịch hát truyền thống, gần đây một số tác phẩm sân khấu kinh điển được dựng theo cách khá mới lạ. Các đạo diễn đã tận dụng ngôn ngữ cơ thể, giản lược lời thoại, rất gần với thể loại kịch hình thể và những vở diễn theo cách này cũng đã đem tới sự ngạc nhiên, yêu thích cho công chúng, nhất là công chúng trẻ.

Nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, các đạo diễn đã làm sống lại những vở kịch kinh điển không chỉ bởi nó mẫu mực về kết cấu lớp lang, cốt truyện, phong cách, thủ pháp nghệ thuật, mà trên hết chính là ở những giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn sâu sắc vẫn đậm tính thời sự trong cuộc sống hôm nay. Những vở kịch kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng có cơ hội được xem những tác phẩm thật sự có chất lượng. “Việc dàn dựng thành công những vở kinh điển sẽ nâng cao trình độ của tập thể sáng tạo và diễn viên, “một công đôi việc”- giống như một cuộc tập huấn, đào tạo chung cho đội ngũ nghệ sĩ trong quá trình chinh phục những đỉnh cao nghề nghiệp mới” - ông Thơm nói.

NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, nhà hát dàn dựng những vở hài kịch mang tính mẫu mực kinh điển của thế giới với mong muốn mang đến cho khán giả tác phẩm nghệ thuật là hài kịch đúng nghĩa, mang đầy đủ yếu tố, giá trị về cái đẹp, nhận thức, tính tư tưởng thời đại.

Minh Quân