Cao tốc nối Nam Định-Thái Bình: 936 hộ thuộc diện tái định cư
Thông tin trên được nêu tại hội nghị kiểm điểm tiến độ dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình, do lãnh đạo UBND hai tỉnh chủ trì tổ chức ngày 8/4 tại Thái Bình.
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/12/2023. Tuyến đường dài 60,9 km (qua Nam Định 27,6 km, qua Thái Bình 33,3 km).
Tổng vốn đầu tư dự án bao gồm cả lãi vay hơn 19.784 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp 10.447,56 tỷ đồng (52,8%); vốn nhà nước 9.337 tỷ đồng (47,2%), trong đó vốn Trung ương 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); điểm cuối tại nút giao giữa QL 37 mới và Đường ven biển (xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đường được thiết kế 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc 120 km/h; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027.
Trong quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, UBND tỉnh Nam Định là cơ quan phối hợp.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai dự án, thông tin tại hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án trên cho biết, hơn 27 km của dự án đi qua địa bàn 4 huyện, 21 xã của tỉnh Nam Định; hơn 33 km còn lại của dự án đi qua địa bàn 2 huyện, 18 xã của tỉnh Thái Bình.
Dự án cần phải thu hồi tổng cộng hơn 448 ha đất (đất nông nghiệp hơn 398 ha, đất ở 8,86 ha, đất khác hơn 41 ha), trong đó tại tỉnh Nam Định thu hồi khoảng 221,6 ha.
Với việc thu hồi 8,86 ha đất ở có tổng cộng 936 hộ dân ở Nam Định và Thái Bình thuộc diện tái định cư (TĐC), trong đó có gần 600 hộ ở tỉnh Nam Định.
Đến nay ở địa bàn tỉnh Nam Định, chính quyền huyện Nghĩa Hưng (có 1,9 km qua địa bàn 2 xã) đã bố trí nơi TĐC cho 10 hộ dân ở xã Nghĩa Trung; huyện Trực Ninh (có 15,6 km đi qua 11 xã) đã dự kiến bố trí 34 vị trí TĐC phân tán; huyện Xuân Trường (có 9,1 km đi qua 7 xã) đã dự kiến bố trí 33 vị trí TĐC phân tán. Riêng huyện Nam Trực (có 1 km đi qua địa bàn 1 xã) không có hộ phải TĐC.
Báo cáo kiểm điểm tiến độ cũng cho biết, ở địa bàn tỉnh Nam Định, một số xã chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các điểm TĐC, đang cập nhật điều chỉnh, bổ sung trình cấp có thẩm quyền thông qua.
Trong khi đó, ở địa bàn tỉnh Thái Bình, chính quyền huyện Thái Thụy (có 16 km đi qua 8 xã) đã dự kiến bố trí 4 vị trí TĐC; huyện Kiến Xương (có 17,8 km đi qua 10 xã) đã lập quy hoạch 12 khu dân cư dự kiến bố trí TĐC với tổng diện tích 25,19 ha, trong đó có 9 khu dân cư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho dự án đang được triển khai tích cực.
Ngoài ngân sách Trung ương, đến nay tỉnh Thái Bình đã bố trí kế hoạch vốn năm 2024 cho dự án 600 tỷ đồng; tỉnh Nam Định bố trí 400 tỷ đồng.
Thời gian tới, các bên liên quan tập trung thực hiện các phần việc trong quy trình triển khai dự án như: trình thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 4/2024); phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 4/2024); tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án (tháng 8/2024); khởi công dự án (tháng 9/2024).