Sức khỏe

Tiêm vaccine đầy đủ phòng viêm não Nhật Bản

Đức Trân 09/04/2024 07:45

Thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi khiến dịch bệnh như viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu phát triển.

bai-chinh(2).jpg
Điều trị trẻ mắc viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên với trung gian truyền bệnh là muỗi, bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi.

Đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và lây sang cho người qua muỗi đốt.

So với các dịch bệnh khác thường xuất hiện mùa hè thì viêm não Nhật Bản là một trong những dịch bệnh rất nguy hiểm bởi khả năng để lại di chứng của nó vô cùng nặng nề.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), khoảng 25-35% trẻ mắc viêm não Nhật Bản gặp phải di chứng. Nếu tính cả những trường hợp trẻ sau khi ra viện và được theo dõi, đánh giá sau 2-3 năm, thì tỷ lệ di chứng còn cao hơn nhiều.

Chuyên gia y tế cho hay, hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu; khi trẻ có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn.

“Viêm não Nhật Bản là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, di chứng để lại rất nặng nề, thậm chí có những trẻ phải nằm một chỗ cả đời hay phải điều trị phục hồi chức năng trong một thời gian dài mà vẫn chịu ảnh hưởng nhất định đến phát triển trí tuệ và phát triển vận động” – BS Lâm thông tin.

BSCKII Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi (Bệnh viện quốc tế Vinmec) cho biết, bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản có thể gặp phải các di chứng như bại hoặc liệt tay chân, rối loạn phát âm, giật động kinh, parkinson, rối loạn phối hợp vận động, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, giảm khả năng nghe... Thậm chí, sau 1 năm mắc bệnh, người bệnh cũng có thể mắc động kinh.

Nguy hiểm hơn, căn bệnh này dễ gây ra tử vong ở trẻ nhỏ trong những ngày đầu mắc bệnh. Thế nhưng, bệnh thường ủ bệnh trong 1 tuần - ở thời điểm này người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt sau đó khởi phát đột ngột với các triệu chứng dồn dập chỉ trong 1-2 ngày như sốt cao, đau đầu, cứng gáy, rối loạn tiêu hóa. Tiếp đó, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng hôn mê.

Không chỉ viêm não Nhật Bản, thời tiết thất thường như hiện nay cũng là thời điểm dễ bùng phát của một dịch bệnh về não, đó là viêm màng não do não mô cầu – căn bệnh nằm trong số 10 loại bệnh có tỷ lệ truyền nhiễm cao nhất toàn quốc hàng năm.

Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vừa cấp cứu một trường hợp bé gái 5 tuổi (phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) bị viêm màng não do não mô cầu.

Trước đó, khi đi học về, trẻ có triệu chứng sốt cao sau đó nổi ban ửng đỏ toàn thân, uống thuốc không hạ sốt nên được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Lúc nhập viện, bé sốt cao, nổi ban xung huyết vùng cánh tay hai bên, lưng, bụng, xuất huyết dưới da chưa rõ nguyên nhân kèm theo viêm họng.

Bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố để điều trị tiếp. Bệnh nhi được lấy mẫu dịch não tủy xét nghiệm PCR, kết quả nhiễm vi khuẩn não mô cầu Neisseria Meningitidis.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, khác với các bệnh mạn tính có thời gian tiến triển dài, viêm màng não mô cầu có thể khởi phát rất đột ngột với các triệu chứng như sốt, xuất hiện ban đỏ hay còn gọi là tử ban sau đó lan ra nhanh chóng, lúc này tính mạng của người bệnh chỉ còn tính bằng giờ. Do đó, viêm màng não còn được gọi là “bệnh tử 24 giờ”, tức người bệnh có thể tử vong trước cả 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não và 135.000 ca tử vong do vi khuẩn não mô cầu.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, viêm màng não mô cầu có tỷ lệ mắc cao, lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não do não mô cầu các nhóm khác nhau.

Nguy hiểm hơn, các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng và giống bệnh do virus thông thường như nhức đầu, đau họng, sốt, buồn nôn… khiến bệnh dễ bị chẩn đoán sai, tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không điều trị.

Mặt khác, dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…

Theo các bác sĩ, dù đều là những căn bệnh vô cùng nguy hiểm, thế nhưng, cả viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu đều có thể phòng tránh bằng cách tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch.

PGS.TS.BS Bùi Khắc Hậu - Đại học Y Hà Nội cho biết: Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Phụ huynh phải lưu ý cho trẻ tiêm nhắc lại 3 năm một lần cho đến 15 tuổi. Các trường hợp mắc viêm não Nhật Bản ở trẻ trên 5 tuổi thường do không tiêm mũi nhắc lại.

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, việc bỏ ra chi phí cho việc tiêm vaccine hiện nay không đáng kể so với chi phí điều trị và phát sinh khi mắc não mô cầu. Hiện các nhóm huyết thanh gây bệnh viêm màng não mô cầu phổ biến ở Việt Nam gồm A, B, C, Y, W-135 đã có vaccine phòng ngừa, trong đó vaccine não mô cầu B thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ tiên tiến tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, giúp phòng ngừa sớm và hiệu quả trên nhóm B cao hơn. Các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên mà không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm 1 loại này mà bỏ qua loại khác.

Đức Trân