Nỗi lo rác thải biển
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
25/34 bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa
Theo số liệu của báo cáo chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu). Mỗi năm, lượng chất thải rắn thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương.
Nói về những tác hại của việc thải rác ra biển tại “Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản năm 2024” do Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức mới đây, đại diện Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho hay, hiện nay 25/34 bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa. Số lượng và khối lượng rác thải nhựa trung bình tại các bãi biển khu vực phía Nam đều cao hơn đáng kể so với tại khu vực miền Trung và phía Bắc. Các bãi biển tại Nha Trang và Côn Đảo có số lượng cũng như khối lượng rác thải nhựa cao nhất. Trong khi đó, số lượng và khối lượng rác thải nhựa phát sinh thấp nhất là tại Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) và Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận).
Đại diện “Chương trình biển và vùng bờ” của IUCN nêu rõ, tỷ lệ rác nhựa thủy sản có xu hướng giảm trong tổng rác thải nhựa trên bãi biển. Tuy nhiên, các loại rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản vẫn chiếm ưu thế trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển, chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng. Đề cập về tỷ lệ rác thải nhựa thủy sản, bà Nguyễn Ngọc Hoàn - đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn một báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo cho hay, trong rác thải nhựa, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ. Tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại rác thải nhựa dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi nilon.
Vẫn theo bà Hoàn, tại Việt Nam, ước tính lượng rác thải nhựa ra đại dương hàng năm là từ 0,28 - 0,73 triệu tấn (theo UNEP, 2018). Chỉ số tiêu dùng nhựa bình quân trên đầu người ở Việt Nam tăng từ 3,8kg năm 1990 lên 54kg năm 2018. 10 loại rác thải nhựa hàng đầu tại các địa điểm sông và ven biển ở Việt Nam, gồm: mảnh nhựa mềm, ngư cụ 1, ngư cụ 2, túi nhựa 0-5kg, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút, bao bì thực phẩm khác, nhựa khác, mảnh nhựa cứng, bao bì bim bim, kẹo.
Trách nhiệm không chỉ của ngành thủy sản
Trước vấn nạn rác thải nhựa đại dương ngày càng báo động, đặc biệt hơn là nhằm giảm thiểu rác thải ngành thủy sản, Bộ NNPTNT đã ban hành “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 - 2030”, với mục tiêu hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo hướng tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh.
Nhận thức rõ về mối nguy hại cho môi trường biển khi lượng rác thải đổ ra biển tăng, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề môi trường.
“Ngành thủy sản cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực trong quản lý nhằm chung tay giảm các tác động của nhựa tới môi trường. Tuy nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là câu chuyện dài hơi, cần sự vào cuộc, sự quan tâm của toàn xã hội. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng cá nhân. Cần tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, xã hội, đến thế hệ mai sau; từ đó nhận thức và tự thấy rằng cần phải bảo vệ môi trường cho chính họ bằng cả trái tim. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu các giải pháp thay thế, chẳng hạn như các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường” - ông Luân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho rằng, những tồn tại trong quản lý rác thải và rác thải nhựa đại dương cần có một giải pháp tổng thể và đồng bộ. Nhưng giải pháp then chốt cần có cơ chế, chính sách huy động, kết nối nhiều bên tham gia và quản lý rác từ nguồn. Chỉ khi được quản lý và xử lý rác tại nguồn mới có thể chặn được đường đi của rác ra đại dương.
Nhằm tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam, theo đại diện của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT), cần tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về chất thải nhựa nói chung, ô nhiễm chất thải nhựa, đặc biệt là đánh giá vòng đời sản phẩm, nguy cơ ô nhiễm vi nhựa trong các thành phần môi trường, hàng hóa. Bên cạnh đó là hướng đến triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với các sản phẩm, bao bì chứa làm từ nhựa, phòng chống ô nhiễm nhựa cả trên đất liền, trên sông và ra biển...
Ngân hàng Thế giới ước tính, có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy. Hiện tại, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035. Cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.