Xã hội

Người dân quan tâm thủ tục giấy tờ khi TP HCM sắp xếp lại phường

Trung Hậu 09/04/2024 10:15

Ngay sau khi Bộ Nội vụ thống nhất sắp xếp lại 80 phường, giảm 39 phường của TP HCM, nhiều người dân bày tỏ mong muốn, quá trình chuyển đổi các loại giấy tờ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi.

499-202404092343001.jpg
Người dân mong muốn, "hậu" sáp nhập phường sẽ không gây ra xáo trộn khi người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: Hồng Phúc).

Theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TP HCM sẽ được thực hiện sắp xếp lại 80 phường thuộc địa bàn 10 quận, sau sắp xếp sẽ giảm được 39 phường.

Thông tin về đề án này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cũng dự báo, so với các địa phương khác thì khối lượng công việc khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường của TP HCM sẽ lớn hơn, nhưng thành phố sẽ cố gắng đảm bảo tiến độ chung, đến tháng 6/2024 trình đề án.

Ngoài ra, các vấn đề vướng mắc từ tâm lý, tư tưởng, sắp xếp cán bộ, tài sản, kinh phí sẽ phát sinh, chính quyền thành phố sẽ giải quyết trong thẩm quyền.

499-202404092343002.jpg
Đi kèm với sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp phường, giá cả nhà đất của nhiều quận, huyện vùng ven TP HCM cũng rậm rịch tăng chờ quy hoạch. (Ảnh: Hồng Phúc).

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc (38 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) cho biết, khi TP Thủ Đức được sáp nhập từ 3 quận 2, 9 và Thủ Đức cách đây vài năm, người dân có gặp ít nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính.

"Khi thực hiện đăng bộ nhà đất cho khách hàng, giai đoạn đó tôi nhớ phải chờ khâu cập nhật lại địa chỉ nhà đất từ quận 2 (cũ) đổi qua TP Thủ Đức, nên thời gian chờ đợi hồ sơ sang tên nhà đất kéo dài, khiến ảnh hưởng chung đến cả người mua và người bán", chị Ngọc chia sẻ.

Còn anh N.L (41 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức) vẫn nhớ như in khi đi thực hiện thủ tục trích lục địa chỉ số nhà khi sáp nhập thành phố mới, đã phải chờ đợi nhiều tháng. Lý do khi sáp nhật từ phường thuộc quận 2 (cũ) vào TP Thủ Đức, các giấy tờ được cập nhật lại và chuyển sang kho lưu trữ mới. "Khi nhân viên báo không tìm lại được bản chính, người dân cũng chỉ biết chờ đợi chứ không còn cách nào khác", anh N.L nhớ lại.

Là người dân sống tại quận Bình Thạnh đã nhiều năm, ông Nguyễn Việt Dũng (43 tuổi) cho biết, thông tin quận Bình Thạnh có 13 phường nằm trong đề án sắp xếp lại, trong đó có các phường 1, 3, phường 5 và một phần phường 6. "Bà con ủng hộ tinh gọn bộ máy ở cơ sở, nhưng cũng không ít lo lắng về các xáo trộn khi đi làm giấy tờ thủ tục tạm trú, thường trú, giấy tờ nhà đất hay các thủ tục hành chính khác. Mong muốn làm sao các khâu này sẽ diễn ra thuận lợi để không gây phiền hà nhiều đến người dân", ông Dũng chia sẻ.

Trong phương án tổng thể của TP HCM cho cả giai đoạn 2023 - 2030, có 80 phường thuộc 10 quận phải sắp xếp, giảm 39 phường so với hiện nay (312 phường, xã, thị trấn). Đa số các phường này sáp nhập từ hai phường thành phường mới, ngoài ra có một số trường hợp sáp nhập 3 phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. UBND TP HCM cho biết, sẽ đảm bảo các phường mới đều đạt quy chuẩn về quy mô dân số. Trong đó, qua khảo sát thành phố có 12/38 phường mới có quy mô dân số trên 45.000 người, đạt trên 300% so với tiêu chuẩn dù diện tích không đạt so với quy định.

Về các lo lắng của người dân giai đoạn "hậu" sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã tổng hợp ý kiến cử tri, nhân dân phản ánh tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP mới đây.

Tại đây, bà Trần Kim Yến đã đề nghị khi sáp nhập các phường, chính quyền cơ sở phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan.

Đông đảo cử tri, người dân TP HCM cũng mong muốn, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn sẽ được thực hiện đúng kế hoạch với phương án hợp lý, khoa học. Đồng thời, chính quyền thành phố cần đánh giá toàn diện, đồng bộ về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa để đảo bảo không để ra xảy ra xáo trộn, giữ ổn định bộ máy hành chính ở cơ sở.

Trung Hậu