Tìm cách gỡ khó cho ngành xây dựng
Báo cáo về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I và dự báo quý II/2024 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng tiếp tục gặp khó khăn trong quý II, do đó cộng đồng DN ngành xây dựng kiến nghị có chính sách hỗ trợ đặc biệt hỗ trợ về vốn.
Theo báo cáo, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN xây dựng quý I/2024 khó khăn hơn quý VI/2023, với 16,3% DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 41,5% DN cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và tới 42,2% DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Ngoài ra, dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, 32,2% DN xây dựng nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 40,7% cho rằng giữ ổn định và 27,1% dự báo sẽ khó khăn hơn.
Từ thực tế khó khăn, 46,4% DN ngành xây dựng đã đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 44,3% DN đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; 38,3% DN đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; 32,9% DN đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính...
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có tới 55,6% số DN xây dựng chia sẻ gặp khó khăn về vốn lưu động. Tín dụng ngân hàng được nới rộng, mặt bằng lãi suất giảm nhưng các DN xây dựng, đặc biệt là các DN xây dựng vừa và nhỏ vẫn khó khăn trong việc vay vốn khi các điều kiện về khả năng tài chính của chính DN không đủ đáp ứng yêu cầu của phía ngân hàng.
Từ những khó khăn trên, cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
Các chuyên gia đánh giá, để ngành xây dựng bớt khó cần xem xét, tháo gỡ 4 nhóm vấn đề: tiếp tục giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN; tiếp cận vốn vay; tiếp cận thị trường; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Nhà nước cần có chính sách và kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các DN đang “chết lâm sàng” mà không thể làm thủ tục ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Việc này nhằm tránh lãng phí tài nguyên của các chủ đầu tư, chủ DN và gỡ vướng vấn đề pháp lý.