Văn hóa

Phim “đặt hàng” chinh phục khán giả

Minh Quân 10/04/2024 09:08

Khi nhắc đến các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, khán giả luôn mặc định đây là các sản phẩm để “đi thi”, hoặc công chiếu trong các ngày lễ của đất nước. Các bộ phim này ra rạp dù hết sức chỉn chu, nhưng lợi nhuận lại là một bài toán khó.

anhbaitren(4).jpg
Cảnh trong phim “Đào, Phở và Piano”. Ảnh: ĐPCC.

Bài toán thương mại

Thông tin từ Cục Điện ảnh, tính đến đầu tháng 4/2024, bộ phim “Đào, Phở và Piano” đã thu về gần 21 tỷ đồng và chính thức hòa vốn sau gần 3 tháng công chiếu. Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim do Nhà nước đặt hàng xảy ra hiện tượng cháy vé. Cho dù ban đầu phim chỉ chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia, nhưng sau đó được các cụm rạp đem về trình chiếu phi lợi nhuận, thu hút lượng khán giả lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, phim đã được 17 nhà phát hành, cụm rạp và Trung tâm Văn hóa Điện ảnh một số tỉnh, thành phố tham gia phát hành phổ biến trên phạm vi cả nước.

Trước đó, với doanh thu đạt gần 77 tỷ đồng, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng đã tạo ra một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên nhìn vào những thành công của phim Nhà nước đặt hàng, hiếm có sản phẩm nào nhận được sự háo hức, trông đợi đến từ khán giả.

Đơn cử như các bộ phim “Bình minh đỏ”, “Hồng Hà nữ sỹ”, “Phơi sáng”… dù được giới chuyên môn đánh giá cao cả về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật, nhưng khi bàn đến doanh thu lại là một câu chuyện buồn. Được biết, các bộ phim do Nhà nước đặt hàng được đầu tư khoảng 20 - 30 tỷ đồng nhưng không có chi phí cho phát hành, quảng cáo phim. Chỉ khi diễn ra sự kiện quan trọng hay dịp kỉ niệm, ngày lễ lớn thì phim mới được chiếu. Do đó cũng chỉ có một số ít khán giả biết đến. Sau khi sự kiện kết thúc, phim lại được “cất kho”.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, chất lượng kịch bản không phải là vấn đề của những bộ phim Nhà nước đặt hàng, bởi từ khi có kịch bản cho đến khi sản xuất, nghiệm thu đều trải qua quá trình thẩm định chặt chẽ. Nguyên nhân chính là do không có kinh phí phát hành, quảng bá nên mức độ phổ biến không được như mong đợi. Ông Tú dẫn chứng, vì thiếu kinh phí nên “Đào, Phở và Piano” đến khi ra rạp cũng không có trailer quảng bá hay một buổi họp báo ra mắt. Trong khi đó, nhiều bộ phim tư nhân sản xuất có thể chi hàng tỷ đồng cho công tác truyền thông, quảng bá. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, họ cũng đặc biệt quan tâm đến khía cạnh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.

“Hiện nay, các rạp chiếu đa phần của tư nhân, hoạt động dựa trên nguyên tắc lợi nhuận. Theo quy định hiện nay, toàn bộ doanh thu từ khai thác sản phẩm có đầu tư công phải nộp ngân sách, nên các rạp tư nhân không mặn mà chiếu phim Nhà nước. Truyền hình vì nhiều lý do cũng không còn là kênh quảng bá cho các bộ phim sử dụng ngân sách. Do đó, phim Nhà nước chịu nhiều thua thiệt khi ra rạp” - ông Tú bày tỏ.

Sự kết hợp cần thiết

Theo nhiều chuyên gia, phim do Nhà nước đặt hàng dù được đầu tư chỉn chu về “đầu vào” nhưng lại yếu về “đầu ra” khi thiếu chiến lược quảng bá, truyền thông và không hề có sự chủ động trong khâu phát hành. Sự cố sập web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã cho thấy việc bị động về mặt chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và nhân lực.

Đến nay vẫn chưa có quy định về trích tỷ lệ % phát hành phim do Nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp chiếu tư nhân, cũng như không có kinh phí cho việc quảng bá… Ngoài ra, còn gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách. Sau phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gặt hái nhiều thành công, điện ảnh Việt Nam chưa có tác phẩm phim sản xuất từ nguồn kinh phí công - tư hoặc sử dụng ngân sách nhà nước được phát hành rộng rãi, đạt doanh thu cao từ các rạp chiếu.

Trước những khó khăn liên quan đến việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách nhà nước, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng thông tin, mới đây đơn vị đã đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan tham mưu, quản lý tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế để tạo hành lang pháp lý chắc chắn, không chồng chéo hoặc mâu thuẫn với các quy định đã được ban hành.

Ông Thành cũng đề xuất rà soát các quy định có liên quan để điều chỉnh hoặc phối hợp với các bộ, ngành khác kiến nghị điều chỉnh để đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về quan điểm, chủ trương và thuận lợi khi áp dụng. Cần bổ sung quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, nhiệm vụ phát hành, phổ biến phim nói chung, trong đó chú trọng phát hành, phổ biến phim có sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả sản xuất phim kết hợp nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách nhà nước.

TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, những phim có vốn 100% của Nhà nước rất cần có phương án phát hành, quảng bá hiệu quả. Việc quảng bá, tiếp thị, phát hành rất khác với sản xuất phim, bởi vậy cần dành một phần kinh phí cho việc huy động các nguồn vốn dành cho việc quảng bá phim tới khán giả.

Minh Quân