Xã hội

Giữ nghề rèn làng Minh Khánh

Tấn Thành - Chí Đại 10/04/2024 09:09

Với người dân làng Minh Khánh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), làm rèn tuy vất vả nặng nhọc, nhưng họ vẫn kiên trì bám nghề, không chỉ vì mưu sinh mà còn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

anh1baitren.jpg
Nghệ nhân làng Minh Khánh bám nghề, giữ lửa cho làng rèn. Ảnh: Tấn Thành.

Chúng tôi trở lại làng nghề rèn truyền thống Minh Khánh vào những ngày đầu tháng 4, mới bước đến đầu làng đã nghe âm thanh leng keng, tiếng đập giũa, rèn dao, rựa và các vật dụng, cùng tiếng người nói chuyện, trao đổi công việc, mua bán hàng rất sôi động. Tại lò rèn của ông Nguyễn Hữu Lý (51 tuổi), ở thôn Minh Khánh, nhân công đang miệt mài với việc cho ra các sản phẩm phục vụ cho nghề nông hay vật dụng dùng trong nhà, từ dao, rựa đến cuốc, xẻng…

Ông Lý có khuôn mặt rất hiền từ, nở nụ cười đón khách. Sau khi miệt mài dùng búa đập mạnh vào thanh sắt để uốn thành một con dao, ông Lý ngừng tay chia sẻ, từ nhỏ ông đã được học ở cha mẹ cách rèn dao, rìu, cuốc, thuổng và các vật dụng dùng cho việc làm nông và giữ nghề cho đến hôm nay. Theo ông Lý, nghề này cần sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì, cùng với đó người thợ phải có sức khỏe tốt.

“Tôi là đời thứ 5 trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn. Đây là nghề cha truyền con nối, tôi được kế thừa nghề từ ba tôi, ba kế thừa từ ông nội và ông nội tôi kế thừa các bậc tiền bối. Cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, tính ra gia đình tôi từ đời cha ông đến nay theo nghề đã hơn 300 năm. Vất vả nhưng chúng tôi quen rồi và cũng là để mưu sinh. Làm mãi thì yêu nghề và giữ nghề thôi” - ông Lý nói.

anh2baitren.jpg

Cũng theo ông Lý, trước khi người thợ rèn con dao hay vật dụng khác thì phải lựa chọn thanh sắt đạt chất lượng để cho ra sản phẩm tốt. Sau đó người thợ phải dùng sức đập mạnh những nhát búa xuống thanh thép, lật qua lật lại và đập cho đến khi tạo ra mô hình theo đúng ý muốn của mình. Tiếp đến mài dũa, trui vào lửa để cho ra sản phẩm. Nói thì như vậy nhưng quá trình cho ra sản phẩm là một sự kỳ công và tốn lực.

Còn tại lò rèn của ông Lương Kim Hải, ở thôn Minh Khánh, chúng tôi cũng được nghe rất nhiều điều thú vị về nghề rèn. Qua trò chuyện ông Hải cho hay: “Nguyên liệu để rèn thành dao, rựa, cuốc, xẻng thì mình dùng các cây sắt cỡ 16-18mm hay tận dụng các loại sét phế liệu khác. Sắt được cắt ra thành khúc rồi cán dẹp, trải qua nhiều công đoạn mới tạo thành phẩm để sử dụng. Trung bình mỗi ngày lò rèn của gia đình tôi làm ra được 30 - 35 sản phẩm dao, rựa, bán ra thị trường nên cũng được 500.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu nhập hơn 15 triệu đồng từ nghề rèn”.

Chia sẻ của ông Nhan Quy, cũng ở thôn Minh Khánh, ông theo nghề rèn từ nhỏ, nhưng nghề này giờ đây không còn được như xưa. Nhu cầu khách ngày càng giảm, các vật dụng phục vụ sản xuất hàng ngày mà rèn thủ công thì không cạnh tranh nổi với hàng công nghiệp. “Dẫu vậy, gia đình tôi vẫn cố gắng bám trụ để giữ lại nghề truyền thống của gia đình. Hơn nữa cũng có những khách hàng đặt niềm tin vào độ bền chắc, sắc bén của sản phẩm từ làng Minh Khánh” – ông Quy cho hay.

Theo các cụ cao niên ở thôn Minh Khánh, không ai biết chính xác nghề rèn nơi đây có từ bao giờ, họ chỉ biết ông cụ tổ của nghề có tên là Đinh Khắc Nhơn, có gốc gác từ phía Bắc, hơn 3 thế kỷ trước, cụ tổ cùng gia đình di cư đến đây và chọn mảnh đất sát bên bờ sông Trà để khai hoang, lập nghề, lập làng. Kể từ đó, những lò rèn luôn đỏ lửa trên mảnh đất này cho đến ngày hôm nay. Những sản phẩm ở làng rèn của lò nào thì lò ấy khắc tên lên sản phẩm mình làm ra. Thời kỳ hưng thịnh của làng Minh Khánh có đến hơn 150 hộ làm nghề rèn. Tất cả sản phẩm rèn của làng từ dao, búa, lưỡi liềm, lưỡi cày, cuốc, rựa,… đều nổi tiếng khắp gần xa vì độ bền và chắc.

Bà Lê Thị Mỹ Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh cho biết, hiện nay thôn Minh Khánh vẫn còn hơn 50 hộ dân vẫn bám nghề rèn, làm ra các vật dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và cho cuộc sống hàng ngày của người dân, cùng với đó là cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành lân cận. Nghề rèn đã giúp nhiều hộ dân ở đây có nguồn thu nhập cao hơn so với nghề trồng lúa ở địa phương. Hiện làng rèn Minh Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh Quảng Ngãi công nhận đây là làng nghề truyền thống. Sản phẩm từ làng nghề cũng đạt OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Tấn Thành - Chí Đại