Nhiều học sinh tiểu học Hà Nội thừa cân, béo phì
Một số trường tiểu học khu vực nội thành Hà Nội có tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%. Đây là thông tin vừa được đưa ra tại hội nghị triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017 – 2021: đánh giá tại 90 trường, các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017 - 2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), kết quả cho thấy học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8% (THCS: 16,8%, THPT: 11,3%). Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm, khu vực nội thành cao hơn ngoại thành (một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%).
Đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng thừa cân, béo phì gây ra, bà Kiều Anh cho biết, trẻ bị thừa cân, béo phì dễ chịu ảnh hưởng về tâm lý, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như: Đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư… Nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, do đó, nếu can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì ở giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng; phòng, chống tai nạn thương tích; bảo đảm vệ sinh thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, các bệnh không lây thừa cân, béo phì... Những hoạt động này đã dần đi vào nền nếp và từng bước góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của học sinh.
Nhằm hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ em, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Mô hình can thiệp hướng tới phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu gồm đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng chống thừa cân, béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp; cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân, béo phì tại trường học và gia đình; tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp... Trước mắt, mô hình này sẽ được thực hiện tại trường một số trường như: Trường tiểu học La Thành, quận Đống Đa; Trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm; Trường tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông...
Trước đó năm 2023, thông tin từ Sở GDĐT TPHCM cũng cho thấy trong số gần 99% học sinh được khám sức khỏe ban đầu, có tới 32,2% học sinh béo phì. Tỷ lệ học sinh béo phì ở mức cao tại TPHCM đã được ngành y tế cảnh báo cách đây nhiều năm. Trong đó nguyên nhân khiến học sinh béo phì là do các em ít có thời gian, điều kiện để vận động thân thể. Nhiều học sinh chọn cách giải trí bằng các thiết bị điện tử thay vì chơi thể thao. Đó là chưa kể thói quen ăn uống quá nhiều tinh bột và chất đạm nhưng thiếu rau, củ… cũng khiến học sinh béo phì, thừa cân.
Theo kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em độ tuổi 5 - 19 tuổi tăng gần gấp 3 lần từ năm 2010 đến 2020. TS.BS Phan Thị Bích Nga - Trưởng Khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cảnh báo về hậu quả của việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là đối với bánh kẹo và nước ngọt, góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bệnh béo phì ở trẻ em hiện là một vấn đề toàn cầu, cần hành động khẩn cấp. Việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Trẻ em từ 2 - 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày, đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần.