Giáo dục

Năm học mới, giảm nỗi lo giá sách giáo khoa

Nguyễn Hoài 10/04/2024 15:05

Thông tin các nhà xuất bản đồng loạt giảm giá sách giáo khoa (SGK) trước thềm năm học 2024-2025 đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi đi học.

Giá SGK giảm từ 9,6 - 20%

Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) - đơn vị xuất bản SGK Cánh Diều đã công bố kế hoạch giảm 20% giá bìa đối với các sở giáo dục và đào tạo khi mua sách để trang bị cho thư viện trường học năm học 2024 - 2025.

Mức giá trên cũng được áp dụng đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung.

Bên cạnh đó, nhằm gia tăng giá trị của bộ sách, đơn vị đã phát triển Hệ sinh thái sách Cánh Diều bao gồm sách điện tử và các học liệu điện tử đa dạng, phong phú. Giáo viên, phụ huynh và học sinh truy cập vào trang web hoc10.vn để khai thác và sử dụng hoàn toàn miễn phí.

Nhằm hỗ trợ phụ huynh và học sinh trong việc trang bị đầy đủ SGK cho năm học 2024 - 2025, đơn vị xuất bản sách cam kết có kế hoạch tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và thư viện các trường nội trú trên cả nước theo chương trình “Hành trình trao sách - Chắp cánh ước mơ”.

Đồng thời, có chính sách giảm giá SGK Cánh Diều từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi mua tại trường (mua cả bộ hoặc mua lẻ). Danh sách học sinh đăng kí mua được hiệu trưởng xác nhận và sách sẽ được gửi đến tận trường.

img_3608-1-.jpg
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giảm giá SGK năm học 2024-2025.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã công bố thực hiện điều chỉnh giá SGK tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11) và xây dựng giá bán SGK các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản trong năm học 2024-2025.

Theo đó, đối với SGK tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), giá bìa bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

Đối với SGK các lớp 5, 9, 12, nhà xuất bản đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản. Giá SGK các lớp đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định.

Hướng tới đối tượng hưởng lợi là người tiêu dùng

Kể khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tới nay, giá SGK luôn là vấn đề nóng, gây nhiều tranh luận trước thềm mỗi năm học mới. Chênh lệch giữa giá bán SGK mới cao hơn nhiều so với bộ sách cũ khiến các gia đình tăng gánh nặng kinh tế.

Chính vì vậy, thông tin các nhà xuất bản đồng loạt giảm giá SGK năm học 2024-2025 nhanh chóng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi đi học.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị điều chỉnh giảm giá SGK nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá SGK, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện kiến nghị tại Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15-2023 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống nhà xuất bản để có giá SGK ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và giáo viên, đảm bảo an sinh xã hội”, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết.

Theo Luật Giá (sửa đổi), kể từ 1/7/2024, SGK sẽ do Nhà nước định giá. Về định giá để kiếm soát giá SGK, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc Nhà nước định giá SGK, đưa ra giá trần nhằm hướng tới đối tượng hưởng lợi là người tiêu dùng, khi không phải chịu những bộ SGK ở mức giá quá cao.

Về phía các NXB, nhìn tổng thể cũng không bất lợi. Bởi khi xác định mức trần giá SGK, các nhà xuất bản phải có tính toán nhất định để điều chỉnh các khâu làm sao đầu vào của quá trình biên soạn, phát hành SGK bảo đảm ở mức có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho rằng, cần phải hướng tới không bị chi phối quá nhiều bởi việc giá sách cao hay thấp mà quan tâm nhiều hơn là chất lượng SGK bảo đảm thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như đặt ra.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá SGK; sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn SGK.

Nguyễn Hoài