Đắk Lắk: Gần trăm ha ruộng ở xã Bông Krang bị bỏ hoang vì không có nước sản xuất
Hiện nay đang là cao điểm của vụ Đông xuân, lúa đang thời kì trỗ bông, khắp mọi nơi trên các cánh đồng ở Tây Nguyên, bà con đang chăm sóc lúa, có những diện tích trà sớm đã cho thu hoạch nhưng tại cánh đồng xã Bông Krang ở huyện Lắk (Đắk Lắk) có gần trăm ha ruộng lại bị bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.
Gian nan kiếm hạt lúa vàng
Đầu tháng 4, chúng tôi có chuyến công tác về huyện Lắk, huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Đắk Lắk. Dọc quốc lộ 27 đường đi tỉnh Lâm Đồng, đoạn qua UBND xã Bông Krang (huyện Lắk), hai bên đường là cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn mênh mang nhưng không thấy màu xanh của lúa mà chỉ thấy màu bạc của đất. Xa xa có 1 vài thửa ruộng có màu xanh. Bác tài xế đi cùng cất tiếng, mùa này đang là vụ Đông xuân đáng lẽ phải là cánh đồng lúa xanh mướt chứ nhỉ, sao bà con lại bỏ ruộng hoang phí thế? Nghe bác tài nói, chúng tôi dừng xe bên đường, xuống đồng để tìm hiểu.
Lúc này mặt trời đã đứng bóng, dưới cái nắng gay gắt của mùa khô như cháy da, cháy thịt; đi sâu vào trong cánh đồng, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là cả chục máy bơm nước đang đặt ở các sình để bơm nước cứu lúa. Người thì nối đường ống, người thì đặt máy bơm, chỗ nào có nước là bà con tận dụng hết để cứu lúa. Nhiều chân ruộng đã xuống giống gieo trồng nhưng vì thiếu nước nên đất nứt nẻ, lúa cháy khô.
Ông Y KaPôk ở Buôn Ja xã Bông Krang than thở: Bà con chúng tôi làm ra hạt lúa khổ lắm nhà báo ơi! Vừa nói, ông vừa múc từng chút nước đổ vào máy bơm để mồi nước; khởi động mãi máy bơm mới chịu nổ; mồi được nước lên thì đường ống nối lại bị tuột ra, cứ thế cả chục lần ông mới đưa được nước ra chân ruộng để tưới cho lúa.
Ông Y KaPôk kể: gia đình chỉ có 2 sào ruộng ở cánh đồng này, mùa mưa sản xuất được là nhờ nguồn nước trời, còn mùa khô như này thì phải tự tìm nguồn nước để canh tác. “Tôi tận dụng mạch nước ngầm dưới hệ thống kênh mương (bỏ hoang) này để bơm nước tưới cho lúa. Nguồn nước khan hiếm quá nên vụ này tôi gieo sạ muộn, giờ lúa mới trỗ bông. Gần 1 tháng nay tôi phải canh nước, bơm cả chục lần để tưới cho lúa. Lúa đang trỗ bông mà thiếu nước sẽ bị lép hạt, kém năng suất. Mỗi lần nối đường ống kéo 200 mét mới ra tới chân ruộng là tôi cũng kiệt sức luôn; một lần bơm thì hết 200 nghìn tiền xăng, tính chi phí mua đường ống, máy bơm và xăng cũng hết hơn 5 triệu chưa kể tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc… Gia đình có 7 miệng ăn, tất cả đều trông chờ vào 2 sào ruộng này, không làm thì không có gạo để ăn.
Ông Tang Knông ở Buôn Mă, xã Bông Krang cũng cho hay: Trên cánh đồng này tôi có 3,5 sào, vụ này tôi canh tác được là nhờ có mạch nước ngầm dưới lòng đất, cứ 3 ngày nước lên tôi bơm tưới 1 lần. Ngoài ra tôi tận dụng nguồn nước từ các sình và mạch ngấm, sau đó tôi đặt máy bơm hút nước đổ về hệ thống kênh mương bê tông bị bỏ hoang để chứa nước, sau đó tôi tiếp tục đặt máy bơm, nối ống kéo ra chân ruộng để tưới cho lúa. Đầu vụ đến giờ tôi bơm khoảng ba chục lần. Vụ này tôi ước thu được 30 chục bao lúa, (khoảng 1,5 tấn), trừ các khoản chi phí gia đình cũng chẳng còn bao nhiêu”, ông Tang Knông than thở.
Dân bỏ ruộng hoang vì không có nước sản xuất
Theo ông Tang Knông ở Buôn Mă, xã Bông Krang (huyện Lắk): Năm 2000 trở về trước, khi còn mương đất do bà con tự đào, chúng tôi vẫn còn sản xuất được 2 vụ/năm, thậm chí 3 vụ/năm. Kể từ khi nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương lên, bà con chúng tôi chỉ hưởng lợi được 2 năm đầu, sau đó nước hồ Lắk cạn, hệ thống kênh dẫn bỏ hoang, kể từ đó, bà con chúng tôi không có nước để sản xuất.
Ông Y Hơn Bhốk, Buôn trưởng Buôn Mă, xã Bông Krang cho biết thêm: Buôn Mă, xã Bông Krang (huyện Lắk) hiện có 200 hộ dân, trong đó có 70 hộ nghèo, 50 cận nghèo; thu nhập chính của bà con chủ yếu là trồng lúa nước, đời sống nhân dân rất khó khăn; thiếu lương thực bà con không đủ ăn thì nói gì đến chuyện xóa đói giảm nghèo.
Hệ thống kênh mương nâng cấp, sửa chữa cải tạo bao nhiêu tiền dân chúng tôi không biết, chỉ biết sau khi nâng cấp cải tạo lên thì bà con bơm tưới được 2 năm sau đó thì hệ thống kênh mương bị bỏ hoang, dân từ đó không có nước sản xuất. Buôn Mă trước khi chưa nâng cấp cải tạo lại kênh mương, vào vụ Đông xuân bà con canh tác được 55 ha nhưng nay không có nước bà con chỉ sản xuất được 25 ha. Mùa mưa thì thuận lợi về nguồn nước tưới nhưng cũng bấp bênh lắm; năm 2023, mưa nhiều, nước hồ Lắk dâng cao, lúa bị ngập lụt nên bà con mất trắng.
“Trong các lần tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bà con đã kiến nghị nhiều lần nhưng chỉ được cấp trên trả lời hệ thống kênh này không phải của tỉnh quản lý nên huyện không có quyền”, ông Y Hơn Bhốk lắc đầu.
Nhắc lại kênh đất ngày xưa, ông Y Khiên Dăk, Chủ tịch xã Bông Krang cho biết: Khi còn là kênh đất, bà con múc mương sâu hơn 10 mét, rộng 5-6 mét, khi ấy nước hồ Lắk còn nhiều, mương đất có nhiều mạch nước ngầm nên kênh chứa nước nhiều như cái ao; khi ấy bà con đặt 3 đầu bơm, tưới thoải mái cả ngày trên các cánh đồng cũng không hết nước. Một sào ruộng khi ấy bà con sản xuất được 5 tạ lúa/vụ; một năm bà con vẫn canh tác được 2 vụ, lúa ăn quanh năm không hết.
“Không biết vị nào nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, tham mưu, lấp lại kênh đất của bà con rồi xây dựng kênh bê tông nên giờ bỏ hoang. Mùa khô nước hồ Lắk thì cạn, hệ thống kênh bê tông bít hết các mạch nước ngầm, bà con không có nước để sản xuất”, ông Y Khiên Dăk bức xúc .
Cánh đồng xã Bông Krang (huyện Lắk) có 150 ha, nay vì không có nước sản xuất nên bà con chỉ canh tác được vài chục ha, còn lại là bỏ hoang. “Chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. Mùa khô đến, nhìn hai bên đường quốc lộ 27, cánh đồng bạc trắng, trong khi dân còn nghèo, chúng tôi cũng rất xót xa, ông Y Khiên Dăk ngậm ngùi.