Tinh hoa Việt

Kiến trúc làm nên hạnh phúc

NGUYỄN XUÂN THỦY 11/04/2024 05:26

Cái tên Hoàng Thúc Hào đã không còn xa lạ với giới kiến trúc trong và ngoài nước. Danh xưng ấy đã lan tỏa theo những công trình đậm dấu ấn kiến trúc cùng những giá trị văn hóa, xã hội mà nó mang chở.

truong-hoc(2).jpg
Trường học Lũng Luông.

Người đàn ông tuổi 53 sở hữu cả trăm giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế có vẻ ngoài bình dị và kiệm lời. Anh chỉ trở nên sôi nổi khi chạm đến những công trình mà bản thân và nhóm cộng sự đã và đang thực hiện.

Về nông thôn khởi nghiệp

Công trình của Hào thì nhiều lắm nhưng chủ yếu giới kiến trúc thế giới biết đến anh qua những công trình nhỏ nhỏ xinh xinh ở một bản làng nào đó, không Hà Giang thì cũng Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La…

Chẳng phải sau này, mà ngay từ tuổi đôi mươi, khi anh mới tốt nghiệp khoa Kiến trúc - Quy hoạch của Đại học Xây dựng Hà Nội năm 1992. Chàng sinh viên kiến trúc nhỏ nhắn về hình thể, với những công trình xinh xinh và khả thi mà công trình đầu tiên là Nhà cộng đồng Suối Rè trên Lương Sơn, Hòa Bình.

kts-hoang-thuc-hao(2).jpg
KTS Hoàng Thúc Hào.

Không phải là người nhỏ nhỏ thì thích làm công trình nhỏ nhỏ, mà là công trình kiến trúc muốn xây dựng thành hình được thì phải nhỏ, nhỏ mới khả thi, công trình càng lớn thì tiền xây dựng càng nhiều. Hào vừa ra trường, tiền không có, tiếng tăm chưa có, quan hệ xã hội cũng chưa có, mà làm kiến trúc trên giấy thì Hào không muốn.

Khát vọng tuổi đôi mươi khi đủ nhiệt thành và kiên tâm sẽ luôn chỉ lối, luôn dẫn dụ đến những khơi mở của giải pháp. Chiếc chìa khóa chính là nghề kiến trúc trong tay. Thế mà cũng phải hơn mười năm sau mơ ước của chàng kiến trúc sư trẻ mới thành hiện thực.

Năm 2008 ấy, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội bất chợt mở cuộc thi ý tưởng kiến trúc khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận. Là vì khi ấy chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hào quan tâm, tất nhiên rồi, mảnh đất ấy chính là nơi anh sinh ra và lớn lên. Mái trường THPT Việt Đức là nơi anh từng học. Bố anh cũng là người hoạt động hội họa, làm việc tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Bấy nhiêu tích hợp, bấy nhiêu tinh hoa nghề nghiệp cùng sự tiếp nối, hội tụ đủ để anh quan tâm đến khu vực vẫn được cho là trái tim của Hà Nội, trái tim của cả nước ấy. Đề án quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận của anh và nhóm kiến trúc sư trẻ có nhiều kiến giải táo bạo, từ việc hạ độ cao một số công trình quanh hồ, đến cả tòa nhà trụ sở UBND thành phố nhóm tác giả cũng kiến nghị lắp kính bề mặt để vừa “nguỵ trang”, vừa phản chiếu mặt nước hồ, hòa hợp với không gian cây xanh và mặt nước.

Khu vực Nhà thờ Lớn cũng được kết nối trực tiếp với Hồ Gươm bằng quảng trường, thậm chí vùng phụ cận còn được Hoàng Thúc Hào và nhóm tác giả mở rộng kết nối ra tận Hoàng thành Thăng Long, nơi có Cột cờ Hà Nội. Đề án ấy đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi. Tất nhiên đó chỉ là đề án, trong kiến trúc thì hành trình từ giải pháp trên giấy đến hiện hình trong đời thực luôn gặp những khó khăn muôn thuở, nhiều trường hợp ở thế bất khả vì những lí do… ngoài kiến trúc.

bao-tang-gom(2).jpg
Một góc bên trong Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Hà Nội).

Nhưng khoản tiền thưởng 30 nghìn đô lại là có thật. Tiền tươi. “Mỡ nó rán nó” là từ mô tả khá chính xác trong trường hợp này của Hào. Công trình Nhà cộng đồng Suối Rè đã ấp ủ từ lâu, ý tưởng đã có, bản vẽ đã hoàn thành nhưng chưa có kinh phí để xây dựng. Thì đây chứ đâu. Thế là khoản tiền thưởng cho một giải pháp kiến trúc của Hà Nội được rót vào đầu tư cho… Hòa Bình.

Cũng chả phải cao thượng gì đâu, là vì nhóm của Hào muốn đi thi quốc tế. Mà Hào thì không muốn đi thi bằng công trình trên giấy. Có tiền thưởng trong tay, Hào và nhóm có thể tự tin để khởi công công trình với những ý tưởng kiến trúc được gửi gắm.

Xã Cư Yên (Lương Sơn, Hòa Bình) là nơi chung sống của người Kinh và người Mường. Quá trình cộng cư ấy đã diễn ra bình yên từ hàng trăm năm nay. Bởi vậy, những yếu tố văn hóa Việt - Mường được nhóm chú ý khai thác, để công trình không chỉ gần gũi thân thiện với môi trường xung quanh mà còn gần với tâm thức của mỗi người dân bản địa.

Hai yếu tố đó sau này Hào củng cố và phát triển thành xu hướng kiến trúc xanh và tiếp biến văn hóa bản địa trong công trình kiến trúc. Xu hướng kiến trúc xanh bây giờ đã rõ hình hài cùng những khái niệm về nó. Nhưng với Hào, từ những bước đi sơ khởi, cái tâm niệm xanh nó đã manh nha thành hình và được anh nuôi nấng từ thời tuổi trẻ.

Tính Hào cầu toàn, làm cái gì cũng kĩ lưỡng, làm đi làm lại đến vừa ý mới thôi. Cũng vì cái tính cầu toàn mà công trình Suối Rè cứ sửa đi sửa lại đến cả thợ thuyền lẫn cộng sự đều sốt hết cả ruột. Cái gì cũng có cái giá của nó, và mọi cái giá đều phải trả bằng tiền mặt. Nhà cộng đồng Suối Rè từ chỗ dự kiến chi phí 250 triệu đồng, khi hoàn thành đã đội kinh phí lên đến… hơn 1 tỷ, vét sạch vốn liếng của Hào ở những năm khởi nghiệp.

Bù lại, sau đó, Nhà cộng đồng Suối Rè, Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã được vinh danh tại Giải thưởng Kiến trúc quốc tế (International Architecture Awards) năm 2012; sau đó cùng một số công trình công cộng tại vùng cao khác đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế.

Từ Nhà cộng đồng Suối Rè, những công trình tiếp theo ra đời, hầu hết ở nông thôn, miền núi, vùng cao. Hào bảo rằng, trữ lượng văn hóa của ta nằm chủ yếu ở nông thôn, 54 dân tộc anh em cũng cư trú phần lớn ở khu vực này.

Mà với Hào, làm kiến trúc là làm văn hóa, vì thế mà Hào “phi” về nông thôn. Và nông thôn đã cho Hào thứ Hào muốn. Hào làm kiến trúc hướng tới cộng đồng, và cộng đồng các dân tộc cũng chính là kho dữ liệu văn hóa khổng lồ cùng những kinh nghiệm kiến trúc dân gian để Hào thỏa sức vẫy vùng, bởi với Hào, sáng tạo là vô biên, không có giới hạn. Sự tiếp biến văn hóa trong kiến trúc phải được nhìn nhận mềm mại và linh hoạt, trên cơ sở thực tế với những điều kiện của xã hội hiện đại chứ không phải sự copy, áp đặt một cách khiên cưỡng.

Nhà trình tường của người Mông, người Hà Nhì, nhà đất của người Dao, nhà sàn của người Mường… Hào và nhóm cộng sự tại văn phòng kiến trúc “1+1>2” của anh đã thử nghiệm khai thác cả. Các vật liệu từ tranh tre nứa lá đến gỗ đá, vôi cát… nhóm đều đã thử. Làm ở miền núi nhiều đến mức nhóm của Hào chế hẳn một cái máy ép gạch chuyên phục vụ làm nhà đất nện.

Lúc đầu thì ép không thôi, mà gạch đặc nặng quá, vừa tốn đất, lại lạnh, cách âm kém, dần dần cải tiến làm gạch rỗng để khắc phục các nhược điểm nhận thấy khi các công trình đi vào sử dụng. Nhiều bài học chỉ nhận thấy, chỉ ngộ ra từ thực tế như vậy mà thôi.

nha-cong-dong-nam-dam-quan-ba-ha-giang-duoc-kts-hoang-thuc-hao-tiep-bien-tu-nha-trinh-tuong-cua-nguoi-mong(2).jpg
Nhà cộng đồng Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang) được KTS Hoàng Thúc Hào tiếp biến từ nhà trình tường của người Mông.

Kiến trúc từ trái tim

Những người làm kiến trúc có hạnh phúc không?

Câu hỏi ấy từ chỗ mơ hồ đã dần hiện rõ theo năm tháng, nhất là khi Hào nhận lời thiết kế Trung tâm Hạnh phúc của Chính phủ và Hoàng gia Vương quốc Bhutan. Đất nước ấy gắn liền với từ khóa “hạnh phúc” với những triết lí riêng. Năm 2008, Bhutan trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn đo GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia) để đánh giá những yếu tố mang lại giá trị cho đời sống, thay cho chuẩn đo GDP. Nhân sự kiện này, Hoàng gia và Chính phủ Bhutan quyết định thành lập một trung tâm, nơi mọi người từ khắp thế giới có thể đến tìm hiểu, chia sẻ về triết lí sống hạnh phúc của người Bhutan thông qua thực hành thiền và học cách trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, tiêu dùng…

Hai trong bốn trụ cột của chuẩn đo GNH là bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy văn hóa. Bởi vậy, chính phủ Bhutan yêu cầu công trình GHN center phải thân thiện, thể hiện bản sắc địa phương qua chất liệu, màu sắc, họa tiết nhưng phải cách tân và hiện đại hóa.

Tiếp cận những giá trị này, Hào và cộng sự đã đưa ra phác thảo về một quần thể kiến trúc nằm trong rừng thông, gồm phòng hội nghị 120 chỗ, phòng tập thiền 250 người, nhà hành chính, nhà bếp, nhà ăn tập thể, cùng 5 nhà lưu trú nhỏ.

Các khu nhà nằm rải rác trên triền núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, ven sông lớn ở tỉnh Bumthang, đông bắc Bhutan. Chính phủ và Hoàng gia Bhutan đã tỏ ra hài lòng với công trình này. GHN center đã hoàn thành và đi vào sử dụng, bước đầu được người dân Bhutan đón nhận, các vị khách từ khắp nơi trên thế giới khi đến đó đã cảm nhận được phần nào thông điệp hạnh phúc mà đất nước Bhutan muốn truyền tải.

1.jpg
Nhà hội trường của Trung tâm Hạnh phúc do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế tại Bhutan.

Khi làm thiết kế Trung tâm hạnh phúc Bhutan, quan sát cách sống, cách bảo tồn văn hóa, chung sống hài hòa với tự nhiên ở đây, Hào tự hỏi liệu những người làm kiến trúc có hạnh phúc không, hạnh phúc nhất là cái gì. Trăn trở về hạnh phúc, Hào tìm hiểu các khái niệm về hạnh phúc bền vững, thấy có nhiều quan điểm nhưng theo quan điểm của Đại học Harvard khiến Hào suy nghĩ nhiều hơn cả. Họ cho rằng, hoàn cảnh chiếm 10-15% hạnh phúc đời người, tiếp theo là gen sinh học, nó là thứ không thay đổi trong cả đời người, chiếm đến 40-45%, còn lại là hoạt động thật của cuộc đời, tinh thần hướng thượng, có ý chí, điều này chiếm tỉ trọng lớn nhất, có cơ may xác lập và gia giảm hạnh phúc của đời người.

Chiếu sang bản thân mình và những người làm kiến trúc Hào thấy rất đúng. Ngẫm lại Hào tự đặt câu hỏi: Tại sao các kiến trúc sư trong Văn phòng “1+1>2” lại làm việc được với nhau lâu dài và tự nhiên như vậy? Là vì cả nhóm cùng chia sẻ những giá trị, cùng thấy hạnh phúc khi được làm việc vì những giá trị ấy.

Mỗi cá nhân và công ty có điểm chung, mong muốn làm việc và cống hiến, trong đó người đứng đầu phải dấn thân, hướng thượng và nêu gương. Bởi vậy nên làm việc chính là hạnh phúc, mang lại hạnh phúc, nếu mình làm được nhiều thì sẽ hạnh phúc nhiều.

Trong 30 năm làm nghề, hàng trăm công trình đã được Hào và nhóm cộng sự thiết kế vừa bay bổng lãng mạn, vừa mang đậm bản sắc văn hóa và dấu ấn kiến trúc, trong đó phần lớn là các công trình công cộng đã được tạo nên từ những nguồn lực xã hội và nỗ lực của kiến trúc sư.

Ý nghĩa lớn nhất từ những công trình này với Hào là xây dựng ý thức xã hội về phát triển bền vững, bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Công trình kiến trúc của anh đã đem lại hạnh phúc cho người dân bản địa, khi nó tiếp biến được văn hóa ở đấy, bối cảnh ở đấy, người dân được hưởng thụ nó.

Anh và cộng sự thấy nhẹ nhõm khi làm được kiến trúc cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số. Văn phòng kiến trúc của Hào có cái tên độc đáo “1+1>2”, nhìn khá là số học, cách giải thích cũng hoàn toàn số học, từ “1+1=2”, Hào đã khoanh một hình trái tim vào dấu cộng, thêm một trái tim phép tính đơn giản tự khắc đã thành “1+1>2” một cách hợp lí, dễ hiểu, đầy triết lí và cũng đầy lãng mạn. Kiến trúc của Hào đi từ trái tim và nó đã chạm đến trái tim. Hành trình ấy của Hào đã gọi tên hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

KTS Hoàng Thúc Hào sinh năm 1971 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội năm 1992, tốt nghiệp Cao học, Đại học Bách khoa Turin năm 2002. Năm 2003 anh lập Văn phòng kiến trúc “1+1>2” với sứ mệnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, nông thôn trong việc phát triển nhận thức và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội, bảo tồn văn hóa trong phát triển.

Những công trình kiến trúc mà anh và “1+1>2” thiết kế (trong đó rất nhiều trường học vùng cao, nhà sinh hoạt cộng đồng) đã đoạt hàng loạt giải thưởng kiến trúc quốc tế. Hoàng Thúc Hào cũng là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thắng Giải SIA-GETZ năm 2016 cho Kiến trúc sư nổi bật Châu Á, đồng thời anh cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao 2 giải thưởng lớn (tổ chức 3 năm 1 lần): The Vassilis Sgoutas Prize for Implemented Architecture Serving the Impoverished - 2017 & The Robert Matthew Prize for Sustainable and Humane Environments – 2023 của Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA).

Cuối năm 2023 anh đoạt 3 giải thưởng kiến trúc của IAA cho 3 công trình ở 2 hạng mục Trường học, Bảo tàng & Công trình văn hóa là Điểm trường Lùng Vài, Trường Tiểu học Nà Khoang và Bảo tàng gốm Bát Tràng.

Đến nay những tác phẩm do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế đã giành được khoảng 100 giải thưởng quốc tế, trong nước. Với cách tiếp cận hiệu quả, kết hợp tri thức hàn lâm và kinh nghiệm dân gian, yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa cốt lõi, tác phẩm của KTS Hoàng Thúc Hào là minh chứng hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương trong bối cảnh đương đại. Anh cũng là người đề xuất triết lí “kiến trúc hạnh phúc”, kiến trúc không đơn thuần chỉ là thiết kế, kiến tạo không gian, mà có khả năng mang đến công bằng và hạnh phúc cho con người và xã hội.

NGUYỄN XUÂN THỦY