Tỷ giá biến động và niềm tin thị trường
Dù đã hạ nhiệt nhưng tỷ giá vẫn đang được neo cao quanh ngưỡng 25.000 đồng/USD trong bối cảnh giá vàng tăng nóng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Giá USD tăng liên tục
Sáng 10/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam hiện ở mức 24,038 VND/USD. Như vậy tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23,400 – 25,189 VND/USD. Tỷ giá USD cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23,400 đến 25,189 VND/USD.
Tại Vietcombank giá USD có mức mua vào là 24,760 và mức bán ra là 25,130 VND/USD. Trong khi đó ở ngoài thị trường tự do đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25,360 – 25,460 VND/USD .
Tỷ giá ở mức cao trong thời gian gần đây dấy lên nhiều nỗi lo. Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra ngày 3/4 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng thừa nhận, công tác điều hành tỷ giá nhiều lúc cũng gặp khó khăn do tác động của chính sách kinh tế thế giới. Điều này đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đầu năm 2024, cụ thể là quý I, vấn đề tỷ giá vẫn tiếp tục nóng. NHNN cho rằng, đây là một nội dung được quan tâm và tập trung điều hành. Theo ông Tú, lý do chính của tỷ giá gia tăng là Fed chưa đưa ra thời điểm cụ thể về nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chính vì thế, giá trị đồng USD tăng mạnh trong mấy ngày vừa qua. Sự tăng giá này sẽ tác động đến việc giảm giá trị tiền tệ của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Cùng đó, thời gian qua, với chính sách hạ lãi suất của Việt Nam, mức lãi suất giảm sâu. Điều này cũng tạo bất cập khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục âm. Lãi suất VND thấp hơn USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì vậy, áp lực tỷ giá USD càng nóng.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2024 cũng rất tích cực. Do đó, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu cũng gia tăng và một số chính sách khác cũng có tác động đến tỷ giá.
Giới chuyên gia phân tích lý do đồng USD tăng giá là bởi các ngân hàng trung ương châu Âu chưa chịu giảm lãi suất và có thể còn duy trì ở mức cao. Lý do thứ hai khiến giá USD tăng mạnh trong thời gian qua cũng liên quan đến giá vàng.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 tấn vàng nguyên liệu/năm. Trong khi tổng lượng vàng khai thác trong nước chỉ đạt 2-3 tấn/năm. Như vậy gần như toàn bộ lượng vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh đến từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đến từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu.
Với số vàng tiêu thụ 50 - 60 tấn/năm, số USD phải bỏ ra để mua lên tới hàng tỷ USD/năm, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, trong thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 13 - 20 triệu đồng/lượng. Đây là lỗ hổng lớn cho buôn lậu và khiến giá USD trên thị trường tự do tăng.
Đáp ứng đủ nhu cầu cho doanh nghiệp
Thông thường khi tỷ giá tăng, chi phí của những hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ bị ảnh hưởng và tác động đến tình hình lạm phát ở trong nước. Doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu thường bị tác động nhất định.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng, là DN lớn nên chỉ 1% thay đổi tỷ giá cũng khiến DN mất 300 tỷ đồng/năm, nếu tỷ giá thay đổi 5% thì tăng lên 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng nêu, dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD, nên biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về khó khăn của DN trước biến động tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ PMA cho biết, nếu như vào cuối năm 2020, 1 Yên Nhật có giá trị tương đương 220 VND thì hiện nay chỉ còn ở quanh mức 165 VND/Yên. Trong khi doanh nghiệp giao dịch với đối tác Nhật Bản chủ yếu bằng tiền Yên, nên khi quy đổi về doanh thu sang VND, cũng ảnh hưởng nhất định.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định với sự điều hành của NHNN, tỷ giá hiện nay vẫn đảm bảo duy trì ổn định, đảm bảo thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, NHNN luôn đảm bảo trạng thái “dương” về ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu của các DN xuất nhập khẩu. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.
Theo Phó Thống đốc, ngoài các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng còn nhiều yếu tố khác liên quan như cần tuyên truyền để tạo niềm tin cho thị trường; tránh tình trạng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Bởi trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của NHNN trong trường hợp cuối cùng cần thiết vẫn can thiệp để đảm bảo sự ổn định. “NHNN sẽ luôn sử dụng các công cụ một cách tích cực để đảm bảo mục tiêu bình ổn tỷ giá trong thời gian tới” – ông Tú nói.