Xã hội

Hành trình hồi sinh những dòng kênh - Bài 2: Nhiều dự án chưa có ngày về đích

NHÓM PHÓNG VIÊN 11/04/2024 06:48

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay nhiều dự án cải tạo kênh rạch của TPHCM vẫn bị “phơi sương” chậm tiến độ, đội vốn, khiến ngân sách nhà nước tăng lên nhiều lần.

anh-chinh(1).jpg
Một kênh nước đen ô nhiễm trên một nhánh của kênh Tham Lương chảy qua địa bàn quận Bình Tân, TPHCM.

Điệp khúc hẹn và… trễ hẹn

Điển hình là Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, gọi tắt là kênh Xuyên Tâm). Đây là con rạch ô nhiễm nhất TPHCM, chảy qua địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Trong ký ức của nhiều người dân ở khu vực này, nước từ rạch Xuyên Tâm từng rất sạch, tuy nhiên đó là câu chuyện của hàng chục năm trước. Chứng kiến cảnh sinh sống khổ sở của cư dân 2 quận trung tâm, năm 2002 dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất dọc rạch Xuyên Tâm đã được UBND TPHCM phê duyệt. Sau đó, dự án được giao cho Khu quản lý đường sông (thuộc Sở GTVT thành phố quản lý) thực hiện với kinh phí thời điểm đó vào khoảng 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khiến dự án sau đó đã không được thực hiện. Mãi đến tháng 8/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM kiến nghị UBND thành phố phê duyệt dự án mới, với kinh phí lên tới 5.100 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm. Tuy nhiên, dự án vẫn tiếp tục vướng mắc cho đến nay.

Mới đây Sở Xây dựng TPHCM thông tin về tiến độ của dự án đã bị “treo” gần 20 năm nay. Theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố vẫn là chủ đầu tư của dự án và đến nay đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Dự kiến, các đơn vị trình thẩm định dự án trong tháng 3 và phê duyệt trong tháng 4/2024, để triển khai tuyển chọn nhà thầu xây lắp, kịp khởi công đoạn dự án đi qua địa bàn quận Gò Vấp vào tháng 8/2024.

Không chỉ tại rạch Xuyên Tâm, nhiều dự án cải tạo kênh rạch trên địa bàn TPHCM, trong đó có các dự án cải tạo như kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) cũng đang còn ngổn ngang sau hàng chục năm.

anh-2(2).jpg
Khu vực đổ rác thải tự phát tại một đoạn kênh đen trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ảnh: H.Phúc.

Chủ trương quyết liệt nhưng thực hiện chậm

Kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) ban đầu nằm trong hạng mục của Dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhiều năm trước, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được chính quyền thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố làm chủ đầu tư. Giai đoạn sau đó, dự án tiếp tục được bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.

Cũng như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, mặc dù có sự vào cuộc của nhiều cơ quan đôn đốc, quyết liệt chỉ đạo, thế nhưng cho đến năm 2023 dự án mới được trình lại HĐND TPHCM để thông qua đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhằm tiêu thoát nước mưa cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất và lưu vực dọc kênh Hy Vọng.

Vào thời điểm này, Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TPHCM lý giải nguyên nhân dự án kéo dài, theo đó, do lúc đầu dự án là một hạng mục thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM. Năm 2016, UBND TPHCM phê duyệt đầu tư dự án và dự định sử dụng vốn vay WB. Thế nhưng, đến năm 2017 WB ngừng tài trợ cho dự án này dẫn đến dự án phải tìm đơn vị tài trợ mới.

TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho biết, các chuyên gia của hội đã tham vấn, phản biện đối với dự án cải tạo kênh Hy Vọng suốt nhiều năm qua. Vai trò của dự án này là đặc biệt quan trọng để đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Thế nhưng, bà Sâm đánh giá, nhiều bất cập khiến quá trình cải tạo không được triển khai theo dự kiến. Trong khi đó, hệ quả là trên một đoạn hơn 1,8km của kênh Hy Vọng luôn tái diễn tình trạng rác thải ùn ứ dày đặc, bốc mùi hôi thối sau mỗi trận mưa lớn. “Rác thải vây kín đặc kênh không chỉ gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực dân cư, mà còn nguy cơ làm tắc nghẽn dòng chảy thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất” – bà Sâm lo ngại.

Còn với Dự án cải tạo Rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) dù chiều dài chỉ khoảng 1,5km, nối từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Văn Thánh 2, rạch nằm ngay trung tâm quận Bình Thạnh và “vùng lõi” của TPHCM, giữ vai trò tiêu thoát nước cho khu vực, nhất là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng thường xuyên. Cũng như các dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và kênh Hy Vọng, rạch Văn Thánh đã bị lấn chiếm suốt thời gian dài, khiến dòng chảy bị thu hẹp dần và phát sinh ô nhiễm trầm trọng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong cả 5 tuyến kênh rạch chính dài hơn 105km trong phạm vi nội thành, vốn đóng vai trò giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực rộng khoảng 14.200ha, nhưng hệ thống các kênh rạch này lại đang ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây.

Kể từ năm 1993, chính quyền thành phố đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời đến nay vẫn diễn ra rất chậm.

Theo ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM, theo quyết định 3837 ngày 10/11/2021 về kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Thành phố cũng xác định tập trung cho nhóm ưu tiên thứ nhất, bao gồm 3 dự án đã xong các bước chuẩn bị đầu tư, gồm: dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp); dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Đối với nhóm ưu tiên thứ hai, bao gồm 14 dự án trên các địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ dự kiến triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020.

Tuy nhiên cũng theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, sau khoảng 2 năm triển khai (2021 - 2023), tính đến hết quý II/2023, thành phố mới chỉ di dời được 657 trên tổng số 6.500 căn nhà ven và trên kênh (tiến độ chỉ hơn 10%). Do đó, mục tiêu dự kiến đến hết năm sau 2025 sẽ bồi thường, di dời được 6.500 căn nhà theo kế hoạch ban đầu sẽ không thể hoàn thành...

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN