Tháo gỡ ‘nút thắt’ của ngành điện ảnh
Liên quan đến hàng loạt “nút thắt”, thậm chí đã kéo dài nhiều năm, ngày 11/4, tại cuộc họp báo kỳ quý I/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã trả lời báo chí về những vấn đề “nóng” của ngành đang được dư luận quan tâm.
Cụ thể, tại cuộc họp báo xung quanh “rối ren” đã kéo dài nhiều năm về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong đó có đề xuất thoái vốn của nhà đầu tư – Vivaso, Cục trưởng Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, đây là vấn đề rất phức tạp và khó khăn, sẽ phải thực hiện theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó. Đặc biệt, cũng vì “khúc mắc” của Hãng phim dẫn đến 300 bộ phim không được bảo quản, bị hư hỏng, Cục trưởng cho biết, trước đây có sản xuất và khai thác phim và có giữ lại 1 bản nhưng những bản phim đó đã hỏng, còn bản gốc Negative của 300 phim đều lưu trữ ở Viện phim Việt Nam. Nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam nhiều lần đề xuất phục hồi 300 phim bị hỏng thì tôi trả lời là không được vì nó đã mốc, hỏng hết rồi. Không nên tính đến phương án phục hồi vì đã có bản gốc ở Viện phim, phục hồi để làm gì vì tốn kém chi phí, ai phục hồi được?
“Cục Điện ảnh đã trả lời nhiều lần về số phim bị hỏng. Số phim ở hãng là bản lưu, được giữ lại để khai thác, bản gốc đều được lưu trữ ở Viện phim Việt Nam. Một số nhân viên ở hãng phim nhiều lần đề xuất việc khôi phục số phim đã hỏng, tuy nhiên, khả năng phục hồi là không có. Chúng ta cũng không nên tính đến việc này, bởi các bản gốc của phim vẫn được bảo quản ở Viện phim Việt Nam. Đây là thông tin đã được Viện phim Việt Nam công bố, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xuống trực tiếp kiểm tra, làm việc về công tác lưu trữ”, lãnh đạo Cục Điện ảnh nói.
Cũng tại buổi họp báo, xung quanh thành công của bộ phim “Đào, Phở và Piano”, lãnh đạo ngành điện ảnh cho biết, đây là phim được dàn dựng tốt, có dàn diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai. Ngoài ra, “Đào, Phở và Piano” nhận được sự ủng hộ của truyền thông, cộng đồng mạng dù không có đồng nào chi cho quảng bá, phát hành. Đặc biệt, phim cũng ra rạp vào thời điểm thuận lợi sau kỳ nghỉ Tết, thời điểm đã bão hòa về những nội dung khác như đời sống gia đình, xã hội. Không dễ gì để một bộ phim Nhà nước đặt hàng có thể hội tụ đủ 3 yếu tố này.
Ông Thành cũng thông tin, phim được bán với giá vé bằng một nửa so với giá vé thông thường. Nếu phim được bán với giá vé bình thường, trong điều kiện phát hành thuận lợi, “Đào, Phở và Piano” có thể lãi 21 tỷ đồng thay vì hòa vốn. Về phát hành phim “Đào, Phở và Piano” vừa qua, chúng tôi phải trao đổi, thương lượng với một số đơn vị như Cinestar, Beta, Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Họ cống hiến cho điện ảnh và không hưởng lợi gì, từ điện nước, nhân công. Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với đơn vị chấp nhận 100% doanh thu nộp về ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trước câu hỏi về “tương lai” của các bộ phim Nhà nước đặt hàng, Cục trưởng cho biết, các bộ phim hiện nay được sử dụng để chiếu ở các tuần phim, liên hoan trong, ngoài nước, ở trung tâm văn hóa các tỉnh thành, chiếu miễn phí trên truyền hình. Đơn cử như bộ phim “Đào, phở và piano” thuộc chương trình thí điểm phát hành ra rạp tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, mục đích đo lường khả năng tạo doanh thu của phim Nhà nước. Trong suốt những năm qua, Nhà nước đặt hàng đầu tư kinh phí sản xuất phim, chưa bao giờ có kinh phí cho phát hành, quảng bá phim. Bởi, Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim mà phải có đơn vị riêng. Sau phim “Đào, Phở và Piano”, Cục Điện ảnh đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định về phát hành phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Trước đây do chưa có quy định cụ thể nên việc phát hành phim còn gặp nhiều khúc mắc.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến việc kiểm duyệt phim trên không gian mạng, đặc biệt phim có hình ảnh “đường lưỡi bò”, Cục trưởng Cục Điện ảnh lý giải, vì nhân lực mỏng, chỉ có 10 cán bộ kiêm nhiệm việc kiểm tra. Họ chia thành hai ca mỗi ngày, xem khoảng năm bộ trong một ca, thường xuyên bị quá tải. Trước đây, Cục Điện ảnh từng đề xuất quy chế khen thưởng 200.000 đồng cho những người phát hiện phim có “đường lưỡi bò”, nhưng không được thông qua. Lãnh đạo ngành điện ảnh cũng mong mỏi khán giả có ý thức tự kiểm duyệt, lên tiếng khi phát hiện sai phạm.