Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Xây dựng khu tái định cư phải khảo sát kỹ, tránh tình trạng bị đội vốn
Kiểm tra các khu tái định cư đã hoàn thành và khu vực đề xuất xây khu tái định cư mới tại 2 huyện biên giới Mường Lát, Quan Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo cuộc sống người dân, tuy nhiên, trong thi công, các đơn vị nên có phương án xây dựng phù hợp, tránh tình trạng dự án bị đội vốn quá lớn.
Ngày 11/4, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đi kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án 'Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025' tại huyện Quan Hóa và Mường Lát.
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện cần phải xây dựng 7 khu tái định cư (TĐC) để bố trí ổn định cho 184 hộ dân và bố trí xen ghép cho 320 hộ dân.
Đến tháng 3/2024, huyện đã hoàn thành 2 khu TĐC tập trung để bố trí cho 72 hộ dân tại bản Lở (xã Nam Động) và bản Tang (xã Trung Thành); có 2 khu TĐC liền kề không thực hiện theo đề án là khu Mướp (thị trấn Hồi Xuân) đã được ổn định, khu TĐC bản Sậy (xã Trung Thành) được thực hiện bằng nguồn vốn khác; 2 khu TĐC chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư là khu TĐC bản Chiềng (xã Trung Sơn) và khu TĐC bản Sơn Thành (xã Thành Sơn); có 1 khu TĐC liền kề cho 10 hộ dân tại bản Tân Lập (xã Trung Thành) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tại khu TĐC bản Tang (xã Trung Thành), ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra đời sống, sinh hoạt của 81 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, trong đó, có 39 hộ trước đây sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Theo tìm hiểu, khu TĐC bản Tang hoàn thành vào năm 2022, nằm trên đỉnh đồi cách nơi ở cũ khoảng 400 m, địa hình thuận lợi, đảm bảo an toàn, được đầu tư hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng và nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Sau gần 2 năm chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân đã ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, không còn nỗi lo thắc thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến.
Tiếp đó, ông Đỗ Minh Tuấn và đoàn công tác đã đến kiểm tra, thăm hỏi điều kiện ăn ở, sinh hoạt và sản xuất của 36 hộ dân thuộc khu TĐC xen ghép ở bản Giá (xã Phú Xuân). Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa động viên bà con sau khi an cư sẽ nhanh chóng lạc nghiệp, hăng hái lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tiếp đó, vào chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi khảo sát thực tế tại các khu vực dự kiến xây dựng khu TĐC tại huyện Mường Lát.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, hiện nay huyện đang triển khai 7 dự án TĐC (6 dự án năm 2022, 1 dự án năm 2023), gồm: Khu TĐC liền kề cho 27 hộ dân bản Lách (xã Mường Chanh); khu TĐC cho 21 hộ dân bản Ngố (xã Mường Chanh); khu TĐC cho 20 hộ dân bản suối Lóng (xã Tam Chung); khu TĐC cho 39 hộ dân bản Ma Hác (xã Trung Lý); khu TĐC cho 67 hộ dân bản Ma Lung (xã Mường Lý); khu TĐC cho 49 hộ dân bản Trung Thắng (xã Mường Lý); khu TĐC cho 63 hộ dân bản Tung (xã Trung Lý).
Trong số này, có khu TĐC bản Trung Thắng có thế triển khai theo tổng mức đầu tư (TMĐT) đã được phê duyệt; khu TĐC bản Ma Hác có thể triển khai theo TMĐT đã được duyệt sau khi điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Với 5 dự án còn lại, UBND huyện Mường Lát cho rằng không thể thực hiện được nếu không điều chỉnh TMĐT phù hợp.
Lý giải về nguyên nhân, UBND huyện Mường Lát cho rằng: Với mức hỗ trợ hiện tại là 300 triệu đồng/hộ với khu TĐC tập trung và 150 triệu đồng/hộ với khu TĐC liền kề theo quy định của tỉnh sẽ khó để thực hiện bởi địa bàn huyện Mường Lát bị chia cắt, độ dốc lớn, giao thông khó khăn, phát sinh chi phí triển khai dự án...
Lấy dẫn chứng cụ thể, UBND huyện Mường Lát cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2022, đã có 4 dự án vượt mức hỗ trợ, cụ thể là: Khu TĐC bản Nà Ón, xã Trung Lý với 54 hộ dân, kinh phí trên 25 tỷ đồng; khu TĐC bản Xím, xã Quang Chiểu với 48 hộ dân, kinh phí trên 19 tỷ đồng; khu TĐC bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn với 52 hộ dân, kinh phí trên 22 tỷ đồng; khu TĐC bản Ón, xã Tam Chung với 42 hộ dân, kinh phí 16 tỷ đồng. Điểm chung của 4 dự án này là không tìm được khu đồi độc lập và địa chất nhiều đá, do đó, phương án thiết kế phải tính toán thêm sự ổn định của mái taluy và hệ thống thu thoát nước...
Qua kiểm tra khu vực dự kiến xây dựng khu TĐC tập trung cho 39 hộ dân bản Ma Hác (xã Trung Lý) và khu TĐC cho 20 hộ dân bản Suối Lóng (xã Tam Chung), ông Đỗ Minh Tuấn chia sẻ với những khó khăn mà huyện Mường Lát đang phải đối diện.
Ông Tuấn lưu ý: Trong quá trình khảo sát, lựa chọn vị trí khu TĐC tập trung cho các hộ dân, ngành chức năng và huyện Mường Lát phải hết sức cẩn thận, chu đáo, đặc biệt là phải khảo sát thật kỹ địa chất nơi dự kiến bố trí TĐC.
'Yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không được xảy ra tình trạng đưa bà con từ nơi nguy hiểm này đến nơi nguy hiểm khác. Cùng với đó, cần quan tâm đến các điều kiện để bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt, đời sống và sản xuất của bà con. Trong thi công, cần phải tính toán phương án xây dựng phù hợp, tận dụng các nguồn lực sẵn có, hạn chế để xảy ra tình trạng đội vốn như các khu tái định cư đã thi công xong...', ông Tuấn nói.