Xã hội

Hà Nội: Tìm giải pháp phát triển giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc

Thái Nhung 11/04/2024 21:30

Ngày 11/4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội phối hợp với Hội cầu đường Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân".

img-2065.jpeg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: kinhtedothi.vn

Giảm phương tiện cá nhân, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết, hội thảo nhằm tìm giải pháp loại bỏ xe máy và giảm các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô. Hay khi nào các phương tiện giao thông công cộng nội đô phải đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân. Giải pháp là phải đẩy nhanh việc chọn tuyến, đoạn tuyến và hoàn thành đoạn tuyến đường sắt đô thị nội đô với điều kiện tỷ lệ vận tải hành khách bằng giao thông đường sắt đô thị, ô tô bus, các phương tiện giao thông công cộng khác…

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, với mục tiêu tập trung giải quyết những câu chuyện lâu dài chiến lược, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách, trước mắt của Hà Nội trong 5 năm, 10 năm tới tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo ở các cấp khác nhau, ở các ngành khác nhau về các lĩnh vực của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đầu tiên sẽ ưu tiên cho đường sắt đô thị vì đường sắt đô thị có nhiều ưu điểm: giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian… để đưa vào Luật.

“Đối với Việt Nam là vấn đề mới, nên rất cần sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia, lan tỏa ý tưởng truyền thông chính sách để Nhân dân, các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ. Do đó, tại hội thảo này, TP Hà Nội mong muốn tập trung thảo luận về đường sắt đô thị, về những giải pháp để đạt mục tiêu 2 năm tới sẽ đạt mục tiêu hoàn thành 100km…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

img-2069.jpeg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: kinhtedothi.vn

Trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô

TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000 - 36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000 - 26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%. “Ngoài ra, cần có sự đồng bộ về hạ tầng, ngoài mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân” - TS Vũ Hồng Trường kiến nghị.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thái (Ban Quản lý dự án Đường sắt), thực tế khi thực hiện dự án tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau, đã không thống nhất được phương án kết nối hành khách tối ưu giữa 2 dự án (tại khu vực Ga Cát Linh). Do đó, các điểm kết nối giữa các tuyến cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ trước, trong đó phân chia phần công việc phải thực hiện của từng dự án để đưa khối lượng tương ứng vào dự án đó ngay từ đầu, tránh tranh chấp và phát sinh, điều chỉnh về sau.

“TP Hà Nội cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về một loại hình thẻ vé áp dụng chung cho tất cả các tuyến đường sắt đô thị, và về lâu dài áp dụng liên thông cho các loại hình giao thông công cộng trong toàn thành phố. Do một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ của các dự án vừa qua là khâu GPMB; do vậy cần tách phần GPMB của dự án đường sắt đô thị thành một dự án thành phần riêng và triển khai thực hiện độc lập trước dự án chính một thời gian thích hợp, để khi dự án chính triển khai thi công thì đã cơ bản có toàn bộ mặt bằng sạch” - ông Nguyễn Văn Thái kiến nghị.

Đồng quan điểm, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cũng đề xuất, phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù GPMB, thu hồi đất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực TOD được quy hoạch; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư…

Còn Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng, để vượt qua những thách thức, giải quyết các vấn đề phát sinh và phát triển hệ thống giao thông đô thị, một trong những giải pháp khả thi, cơ bản và quan trọng hàng đầu là phát triển và tiếp tục trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng tiên tiến và thân thiện môi trường.

Ngoài ra, tăng cường năng lực của bộ máy quản lý và triển khai đồng bộ các giải pháp là nhiệm vụ hết sức quan trọng đảm bảo cho hệ thống phát triển đúng hướng, hoạt động hiệu quả góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Thái Nhung