anh-bai-duoi.jpg
Kinh tế

Cơ hội để ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị

Lan Hương 12/04/2024 06:58

Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), thời gian vừa qua hoạt động chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng đã được nhắc đến nhiều khi mà lần đầu tiên Việt Nam hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB). Đồng thời, Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng (giá trung bình 5 USD/tín chỉ carbon). Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với WB để đo đếm, xác nhận lượng tín chỉ giai đoạn 2 (2020-2022), giai đoạn 3 (2023-2024), tìm kiếm các đối tác có nhu cầu tiếp nhận để tiến hành đàm phán chuyển nhượng, đảm bảo quyền lợi của quốc gia và huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ.

anh-bai-duoi.jpg
Ông Trần Quang Bảo.

Ông Bảo cho biết, thực chất đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho Việt Nam, họ yêu cầu chúng ta phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng.

Vẫn theo ông Bảo, Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Trong đó, ngành nông nghiệp, từ chăn nuôi, trồng trọt, đều có triển vọng cung ứng tín chỉ carbon, đặc biệt là rừng.

Với tín chỉ carbon từ rừng Việt Nam, hiện có hơn 14,8 triệu hécta rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon. Theo đánh giá, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công. Tuy nhiên, không phải hoạt động nào cũng có thể tạo ra tín chỉ carbon. Đối với carbon rừng, tín chỉ carbon là chứng nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ được tạo ra từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải, loại bỏ, hấp thụ carbon. Việc tạo ra tín chỉ carbon cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn carbon cụ thể theo yêu cầu của thị trường carbon và được bên thứ ba, độc lập thẩm định và xác minh.

“Về thị trường thì như chúng ta thấy, nhu cầu mua bán tín chỉ carbon rừng đã tạo ra thị trường tín chỉ carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Trong thị trường này, hàng hóa được mua và bán là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế” - ông Bảo nói.

Với câu hỏi, để thúc đẩy thị trường carbon rừng, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì? Ông Bảo cho biết, hiện nay tiền thu về từ bán tín chỉ carbon rừng thực hiện theo Nghị định số 107/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, quỹ trung ương (quản lý, tiếp nhận nguồn tiền chi trả) chỉ được giữ lại 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật… Còn lại 96,5% được phân bổ hoàn toàn cho các địa phương. Điều này cho thấy, việc bán tín chỉ carbon rừng người dân, người trồng rừng được hưởng lợi. Đây cũng là giải pháp giúp Nhà nước giảm gánh nặng về ngân sách trong quản lý và bảo vệ rừng.

“Để thúc đẩy thị trường carbon rừng, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, qua đó tạo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay phát triển rừng theo hướng đa giá trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đề án đặt mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm” - ông Bảo nói.

Lan Hương