Hành trình hồi sinh những dòng kênh - Bài 3: Nỗ lực làm xanh các dòng kênh đen
Trái ngược với cuộc sống tạm bợ của người dân bên những dòng kênh đen, nhiều khu vực trung tâm của TPHCM nhờ sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền đã trở thành các dòng kênh xanh.
Nỗ lực thay đổi
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua nhiều quận trung tâm của TPHCM (các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình) trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh này ô nhiễm nặng, hai bên bờ kênh nhà cửa lụp xụp, rác thải ứ đọng, được liệt vào một trong những con kênh đen ô nhiễm nhất thành phố. Đến năm 2002, TPHCM triển khai dự án cải tạo dòng kênh này, với tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Năm 2012, dự án đã hoàn thành và diện mạo được “thay áo mới”, trở thành tuyến kênh đẹp nhất TPHCM.
Từ một dòng kênh đen ô nhiễm, để trở thành dòng kênh đẹp nhất TPHCM chỉ sau 10 năm, chính quyền thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để ưu tiên cho dự án, đồng thời có sự vào cuộc, phối hợp của nhiều phía, trong đó có công tác giám sát xuyên suốt quá trình nạo vét, cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu (Giám đốc Công ty TNHH Bhomes) cho biết, vào thời điểm con kênh vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng, một năm sau TPHCM kỷ niệm sự kiện bằng một hành động thiết thực, khi tổ chức lễ thả hơn 225.000 con cá rô đồng và cá chép xuống các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các khu vực kênh. Thành phố cũng đầu tư rất nhiều nguồn lực để cải tạo, xanh hóa hai bên bờ kênh đường Trường Sa và Hoàng Sa, để có được bộ mặt mỹ quan đô thị đẹp như hôm nay. Bà Trần Thanh Phúc (người dân sống dọc kênh đoạn qua đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1) nhớ lại: Giai đoạn trước lúc con kênh được cải tạo, nước đặc quánh, đen kịt, mùi hôi khủng khiếp tra tấn, suốt ngày gia đình bà phải đóng kín cửa để giảm mùi thối từ kênh phát ra.
Theo bà Phúc, hàng chục năm trước, ven kênh vẫn còn tồn tại nhiều nhà dân sinh sống, họ xả thải bừa bãi, thậm chí nước thải sinh hoạt của các cơ sở sản xuất cũng được đưa trực tiếp vào kênh. Giờ đây, khi con kênh được cải tạo và đã trở nên trong xanh, được xây kè và chắn lan can, an toàn, người dân hai bên bờ kênh rất phấn khởi. “Sáng nào tôi cũng ra tập thể dục, buổi chiều dẫn cháu đi dạo quanh bờ kênh, hưởng thụ không khí trong lành. Con kênh và đời sống người dân đã thực sự hồi sinh, chất lượng sống thậm chí còn tốt hơn nhiều so với những khu vực không có kênh chạy qua” - bà Phúc nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tuấn (ở tại đường Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh) cho biết, trước kia con kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng, do rác thải dồn về ứ đọng. “Lúc nước thủy triều dâng cao mùi hôi từ kênh có phần đỡ hơn, thời gian còn lại trong ngày bị mùi tra tấn, đã có rất nhiều người sống ở đây phải bán nhà đi ở nơi khác, nhiều người mua mới ở không lâu rồi cũng bỏ đi vì không chịu được ô nhiễm” - ông Tuấn nói và cho biết, từ năm 2003, Nhà nước tiến hành cải tạo thì mùi hôi, công nhân ngày đêm nạo vét bùn, vớt rác, lắp đặt thêm hệ thống xử lý. Từ đó cho đến nay, qua nhiều lần cải tạo nước kênh trở nên trong xanh, không còn ô nhiễm. Người lớn có không gian cải thiện sức khỏe, còn trẻ em có nơi vui chơi, giải trí cuối tuần. Có đoạn còn mọc lên một số quán cà phê di động để người dân thưởng thức ngay trên lòng sông.
Cuộc sống xanh trở lại
Có phạm vi dòng chảy nhỏ hẹp hơn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều đoạn kênh 19/5 chảy qua địa bàn quận Tân Phú đến nay cũng hoàn thành nạo vét, cải tạo, trả lại cuộc sống xanh cho nhiều khu vực dân cư sống hai bên bờ kênh. Trái ngược với tình trạng ô nhiễm và ngập rác thải trước đây, tại đoạn kênh khu vực Hương lộ 3 và phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), hai bên bờ kênh nhờ cải tạo không gian thoáng đãng, hàng ngày nhiều người dân tập trung về tập thể dục, đi bộ, hóng mát.
Nở nụ cười rất tươi, ông Nguyễn Văn Thiểm (81 tuổi), trú tại đường Tây Thạnh cho biết, từ ngày tuyến kênh được cải tạo, có công viên cây xanh thoáng mát đối với người dân chúng tôi quý giá vô vùng. Cũng theo ông Thiểm, khu vực kênh 19/5 dù đã được cải tạo, nhưng vào mùa khô vẫn còn tình trạng tái ô nhiễm do phía trên kênh hẹp, rác thải nhiều dưới kênh gây ứ đọng, bốc mùi hôi thối. Nhưng khi mùa mưa tới, dòng kênh được khơi thông, rất sạch vì nước lưu thông liên tục và không còn mùi hôi nữa.
Còn tại khu vực kênh Nước Đen (quận Bình Tân) - một trong những con kênh ô nhiễm nhất ở khu vực cũng đã và đang được các cấp chính quyền nỗ lực nạo vét, cải tạo. Một số đoạn kênh đã hoàn tất cải tạo, bê tông hóa, giúp lòng kênh có không gian thoáng đãng, cải thiện được tình trạng ô nhiễm, ứ đọng rác như trước đây.
Mặc dù một số đoạn kênh màu nước còn xám đục, thế nhưng, nhiều người dân cho biết, so với tình trạng ô nhiễm trước đây thì kênh Nước Đen gần như đã “lột xác”.
Bà Trịnh Thị Hoa (67 tuổi), trú tại đường Gò Xoài cạnh kênh Nước Đen cho biết, gia đình bà sống ở đây từ nhỏ nên thấy kênh Nước Đen như ngày hôm nay đã là sự thay đổi rất lớn. Ngoài kênh được cải tạo thì đường ven kênh cũng được xây dựng để giao thông đi lại thuận tiện hơn.
“Trước kia khu vực này kênh rạch ô nhiễm lắm. Người dân đặt tên con kênh nhỏ này là kênh Nước Đen vì màu nước quanh năm suốt tháng luôn đen kịt. Tuy nhiên, những năm gần đây chính quyền chủ trương cải tạo kênh và xây nhà máy nước thải ở ven kênh Nước Đen để lọc nước nên kênh bây giờ thay đổi rất nhiều” – bà Hoa nói.
Tương tự cũng là tâm trạng phấn chấn của người dân sống hai bên bờ kênh Tham Lương – Bến Cát khi tuyến kênh này đang nằm trong diện ưu tiên vốn để hoàn thiện nạo vét, cải tạo. Dù chưa hoàn toàn “xanh - sạch - đẹp” nhưng so với thời gian vài năm trước, sự thay đổi tích cực từng ngày là điều ai cũng nhìn thấy dễ dàng ở tuyến kênh này.
Thực tế cho thấy việc cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM là bài toán tốn nhiều thời gian và ngân sách, trong đó có nhiều tuyến kênh chủ trương cải tạo nhưng hàng chục năm đến nay vẫn nằm trên “giấy”.
Hệ lụy rất rõ khi mỗi năm TPHCM phải chi nhiều tỷ đồng để vớt rác thải, nạo vét bùn đất ở các kênh đang cải tạo và cả ở các kênh đã hoàn thành nạo vét nhưng tái ô nhiễm. Để cải thiện tình trạng ô nhiễm và tháo gỡ các khó khăn kể trên, không chỉ nhìn từ kinh nghiệm hồi sinh các dòng kênh đen, còn phải cần quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc, chỉ đạo, ưu tiên ngân sách và cơ chế cho các dự án. Đặc biệt, vai trò của các cơ quan giám sát, phản biện là đặc biệt quan trọng.
NGĂN TÁI Ô NHIỄM KÊNH RẠCH
Để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, UBND TPHCM yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể, phải phấn đấu có 80% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 80% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Đặc biệt, vận động 100% khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch. Đối với tiểu thương tại các chợ dân sinh phải giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Ông Bùi Xuân Cường yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Định kỳ trước ngày 10/6 và 1/12/2024 phải báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao cho UBND TPHCM.
ĐẨY NHANH DI DỜI 6.500 NHÀ VEN VÀ TRÊN KÊNH RẠCH
Để nhanh chóng cải tạo, xanh hóa các kênh rạch đang ô nhiễm nghiêm trọng, ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, mục tiêu đến năm 2025 thành phố di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Về tiến độ, hiện nay thành phố đang tập trung đẩy nhanh các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, bao gồm cả các dự án cải tạo kênh rạch. Trong đó, trọng tâm là dự án rạch Xuyên Tâm, với quy mô di dời khoảng 2.134 căn ven và trên kênh rạch. Hiện dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy nhanh các bước tiếp theo dự án Bờ Bắc kênh Đôi, với mục tiêu di dời hơn 1.000 căn. Dự kiến, đến hết năm 2025 TPHCM sẽ thực hiện bồi thường và di dời được khoảng 4.250/6.500 căn (đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra).
(Còn nữa)