Gỡ nút thắt tài chính cho doanh nghiệp lâm, thủy sản
Dù mới chỉ được triển khai từ giữa tháng 7/2023, nhưng đến nay, Chương trình cho vay 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản đã hoàn thành giải ngân 100% mục tiêu của chương trình.
Gỡ “nút thắt” tài chính cho doanh nghiệp
Ngày 12/4, tại Hải Phòng, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Dù mới chỉ được triển khai từ giữa tháng 7/2023 và đến tháng 6/2024 mới hết hạn, nhưng Chương trình cho vay 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản đã hoàn thành giải ngân 100% mục tiêu của chương trình. Tốc độ này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản là rất lớn.
Trong cuộc họp về tăng trưởng tín dụng cuối tháng 2/2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng này thêm 15.000 tỉ đồng để trở thành gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại.
Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình (theo quy mô 30.000 tỉ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.
Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỉ đồng, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỉ đồng. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn đối tượng khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay; khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm 17%.
Việc triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực, gỡ “nút thắt” tài chính cho các doanh nghiệp, giúp 2 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
“Ngóng” vay vốn lãi suất thấp
Là một trong 6.000 lượt khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập, khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp chủ yếu để xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu. Việc hai thị trường này gặp biến động lớn về suy thoái kinh tế đã khiến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao, công tác sản xuất và bán hàng gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, nhờ gói tín dụng ưu đãi, doanh nghiệp mới có thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, liên tục.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, ngành lâm, thuỷ sản đang có nhiều cơ hội khi thị trường đang có tín hiệu tích cực hơn, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tồn kho tại các thị trường đang ít đi, giá xuất khẩu tăng dần trở lại… Dự báo, nửa cuối năm 2024, triển vọng thị trường ngành lâm, thuỷ sản sẽ sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, với những khó khăn liên quan đến thị trường, thủ tục hành chính, giá thành sản xuất như hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp, phù hợp cũng như được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này.
“Các ngân hàng xem xét tăng tỉ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% trong gói 15.000 tỉ đồng vừa qua", ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.
Ngay sau khi Gói tín dụng hỗ trợ ngành lâm, thủy sản được triển khai, đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình. Các ngân hàng mong chờ sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu… Việc minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp chính là cơ sở để ngân hàng tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý.