Giáo dục

Đôi bạn lớp 9 viết phần mềm hỗ trợ người khiếm thính

Thanh Phương 13/04/2024 07:10

Với ứng dụng “The Deaf People”, đôi bạn trẻ Nguyễn Hoàng Phú (lớp 9D4) và Phùng Khôi Nguyên (lớp 9D3) tại Trường THCS Mạo Khê I (phường Mạo Khê, TX Đông Triều, Quảng Ninh) đã giúp đỡ người khiếm thính, người cao tuổi có thể giao tiếp, đồng thời đưa ra nhiều lời khuyên hỗ trợ quá trình chăm sóc hàng ngày.

Từ câu chuyện của ông bà

z5333954294946_803d1b9f3fef7f4ed8a76a307229d72a-7c83641213c50f6def193fa3fd5e972d.jpg
Đôi bạn trẻ cùng cô giáo hướng dẫn miệt mài nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện ứng dụng.

Mở đầu câu chuyện về chặng hành trình sáng chế và hoàn thiện ứng dụng “The Deaf People”, đôi bạn trẻ Nguyễn Hoàng Phú và Phùng Khôi Nguyên cùng kể cho chúng tôi nghe về những ngày mới hình thành ý tưởng.

“Nhà bọn em đều có người già, quá trình giao tiếp khá khó khăn do ông bà đều bị lãng tai. Từ đó, bọn em nung nấu ý định phải làm 1 điều gì đó để hỗ trợ ông bà giao tiếp, đồng thời hỗ trợ tối đa trong việc chăm sóc hàng ngày”, Hoàng Phú chia sẻ. Cùng với đó, việc tạo ra một ứng dụng hỗ trợ người khiếm thính đã là dự định được đôi bạn trẻ ấp ủ từ lâu, bởi lẽ những ngôn ngữ ký hiệu, giao tiếp bằng tay rất khó học, không phổ biến đối với người bình thường.

Sau khi đã có ý tưởng, nhóm bạn bắt tay vào giai đoạn lập trình, xây dựng các tính năng của ứng dụng. “Đến lúc này, khó khăn mới chính thức ập đến với bọn em. Khi đó, bọn em mới học lớp 8 nên chưa có kinh nghiệm gì trong việc lập trình, thiết kế giao diện. Đã có thời điểm, bọn em phải làm đi làm lại do giao diện chưa được tối ưu, khó sử dụng. Đặc biệt, sau khi lắng nghe ý kiến góp ý từ cô giáo hướng dẫn và người sử dụng, nhóm lại tiếp tục chỉnh sửa”. Khôi Nguyên nhớ lại.

z5333954297382_91e25bb7308c1144b8225cbbdc4204fc.jpg
Hoàng Phú và Khôi Nguyên cùng nhau thử nghiệm ứng dụng của mình.

Đến nay, ứng dụng “The Deaf People” đã chính thức được hoàn thiện, người dùng có thể tải trên CH Play về các thiết bị thông minh và sử dụng. Theo lời giới thiệu, “The Deaf People” gồm 6 phần chính là nội dung, phản hồi, giao tiếp, luyện tập, chat AI và kết nối. Trong đó, phần nội dung sẽ có những bài tập để hỗ trợ học các ký hiệu bàn tay để giao tiếp với người khiếm thính (bao gồm bản chữ cái và chữ số).

Tính năng chính tiếp theo chính là phần giao tiếp, tại đây người sử dụng có thể dùng dạng hình ảnh tĩnh hoặc hình ảnh động, chuyển đổi văn bản thành biểu tượng tay… để thuận tiện trong quá trình giao tiếp. Đặc biệt, tại phần kết nối, người dùng có thể trực tiếp chụp các ký hiệu tay và quét lên ứng dụng, sau đó sẽ cho ra kết quả chữ cái.

Bên cạnh khó khăn trong việc lập trình, Hoàng Phú và Khôi Nguyên đã phải rất vất vả để tổng hợp, thu thập những thông tin, dữ liệu để đáp ứng nhu cầu giao tiếp hàng ngày cho các đối tượng. “Đến thời điểm hiện tại, nguồn dữ liệu đã đủ để phục vụ cho mục đích giao tiếp hàng ngày, đồng thời giúp đối tượng bộc lộ nhanh chóng suy nghĩ, cảm xúc”, Hoàng Phú bày tỏ.

Ứng dụng “The Deaf People” đã mang về cho đôi bạn trẻ các giải thưởng ấn tượng: Giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ninh” lần thứ VIII năm 2023; giải Ba Cuộc thi “Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh dành cho học sinh trung học”; giải Nhì chung kết toàn quốc Hội thi “Tin học trẻ” năm 2023;...

Thầy trò đồng lòng, khó khăn nào cũng vượt qua

bai-viet-ngan-gom-2-cot-co-tieu-de-hinh-anh-4--359afd41797ac178eacad2d899dd1b86.png
Nguyễn Hoàng Phú và Phùng Khôi Nguyên được vinh danh trong Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ, Tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Khi được hỏi về bí quyết để làm nên thành công trong quá trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cả hai cậu bạn chia sẻ: “Mọi thứ xuất phát từ sự đam mê, yêu thích khoa học và đặc biệt là mong muốn hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn mà người già, người khiếm thính đang gặp phải. Bên cạnh đó không thể thiếu các thầy cô hướng dẫn, đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp chúng em nghiên cứu, phát triển dự án”.

Trong quá trình gần 1,5 năm phát triển dự án, đã có những đêm cả cô và trò cùng cặm cụi với nhau để tìm ra giải pháp hay những ngày vất vả ngược xuôi để nhờ thầy cô, bạn bè, liên hệ từng bệnh viên để nhờ thử nghiệm sản phẩm. Và cuối cùng, “trái ngọt” đã “chín rộ” từ sự kiên trì, chung sức, đồng lòng của cả cô và trò.

Đến nay, khi nhớ về những ngày đầu phát triển dự án, cô giáo Nguyễn Thị Bích (Trường THCS Mạo Khê I) vẫn vô cùng bồi hồi: “Khi được nghe giới thiệu về ý tưởng, tôi cảm thấy đây là một đề tài rất hay, có tính xã hội, chú trọng đến những đối tượng yếu thế như người già, người khiếm thính… Sau nhiều lần thử nghiệm, ứng dụng đã cho ra một phiên bản tốt nhất, được thầy cô ban giám khảo đánh giá tốt và đạt giải cao trong các cuộc thi”.

2198397_img_2165_08142503.jpg
Những dự án, thành tích nghiên cứu khoa học của Trường THCS Mạo Khê I được lưu giữ trong phòng truyền thống của nhà trường.

Trong nhiều năm qua, Trường THCS Mạo Khê I còn được mệnh danh là ngôi trường của những “nhà sáng chế” nhí khi liên tục “ẵm về” rất nhiều thành tích trong việc nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật. Ngay từ những năm 2010, nhà trường đã có đại diện tham dự các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp. Đặc biệt, năm 2017, nhà trường vinh dự khi có học sinh đạt giải cao tại Hội thi tin học trẻ toàn quốc.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ban giám hiệu Trường THCS Mạo Khê I đã vạch ra kế hoạch triển khai dài hơi để các em có lộ trình nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp.

Bà Phạm Thị Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê I chia sẻ: Để gặt hái được những thành tích vang dội trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhà trường đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cuộc thi một cách đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, ở cấp trường nhà trường tổ chức các câu lạc bộ STEM, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các lớp, tổ chức các cuộc thi Tin học trẻ, cuộc thi khoa học kỹ thuật… để từ đó lựa chọn các sản phẩm, dự án có chất lượng.

Song hành với đó, nhà trường đã có nhiều hình thức động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời những giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong công tác nghiên cứu khoa học và dạy học. Từ những ý tưởng sơ khai, nhiều ứng dụng của các “nhà sáng chế nhí" tại Trường THCS Mạo Khê I đã chính thức được đưa vào thực tế, đem lại nhiều giá trị cho xã hội.

Được biết, tiếp nối dự án “The Deaf People”, nhóm bạn trẻ Hoàng Phú và Khôi Nguyên ấp ủ ý tưởng hình thành ứng dụng tra cứu thông tin về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Với ý tưởng này, nhóm bạn kỳ vọng sẽ giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà đến với bạn bè năm châu.

Thanh Phương