Chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cần tăng mạnh chế tài
Rất nhiều đơn vị chây ì, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động nhiều năm liền với số tiền chậm đóng lên đến hàng tỷ đồng. Cá biệt, có những doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều ý kiến kiến nghị, dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần tăng nặng chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Hàng chục nghìn tỷ đồng chậm đóng BHXH
Số liệu thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, dù tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm. Nhưng về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng tăng qua từng năm. Đến năm 2023 con số này đã lên đến trên 13 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).
Tình trạng chậm đóng BHXH đang là vấn đề lo ngại lớn. Nhất là vừa qua, BHXH TP Hà Nội đã công khai danh sách hơn 60.700 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố trong tháng 2/2024. Trong đó có DN nợ BHXH tới 57,1 tỷ đồng. Còn tại TPHCM, có rất nhiều đơn vị chây ì, không đóng BHXH cho người lao động nhiều năm liền với số tiền chậm đóng lên đến hàng tỷ đồng. Cá biệt, có những DN chậm đóng BHXH cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Thực tế này đang rất cần được xử lý, nếu không sẽ “nhờn” luật.
Hiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới. Trong đó đã có những quy định để xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, để khắc phục bất cập của việc tổ chức thực hiện luật hiện hành trong xử lý các vụ việc chậm đóng, trốn đóng BHXH thì dự thảo luật sửa đổi lần này được chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng để phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Qua đó có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Đặc biệt, về quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh, dự thảo luật đã bổ sung tại khoản 4 Điều 40 theo hướng không quy định trực tiếp mà dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, dự thảo luật đã bổ sung khoản 2 Điều 140 để sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 như sau: “Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH” để thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là“người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” (Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa quy định đối với đối tượng này).
Tăng chế tài mới đủ sức răn đe
Bên cạnh đó, dự thảo luật dự kiến bổ sung quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì đây là nội dung chính sách mới, cần được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng. Quy định như dự thảo luật chưa đề cập giải pháp xử lý trong những trường hợp cần thiết khác dẫn đến thiệt thòi cho người lao động. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa nên quy định ngay trong luật, nên tiếp tục nghiên cứu, nếu xét thấy cần thiết thì thực hiện thí điểm để giải quyết các tình huống cấp bách.
Liên quan đến việc tăng chế tài đối với các hành vi chậm, trốn đóng BHXH, bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tách riêng các điều để xác định hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH để qua đó có hình thức xử lý.
Bên cạnh đó, theo bà An cần tăng nặng chế tài xử lý đối với các hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH. Việc DN nợ, hoặc trốn đóng BHXH có nghĩa là nợ cả Nhà nước, nợ cả người dân. Do đó phải có chế tài xử lý nghiêm, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động kinh doanh. Nếu không sẽ “nhờn” luật như trong thời gian qua. “Người lao động chỉ có lương và bảo hiểm. Đến bảo hiểm cũng bị nợ thì còn gì nữa? Nếu DN chỉ nghĩ đến lợi nhuận, chậm đóng và trốn đóng BHXH là gây ra thiệt đơn thiệt kép, tức là thiệt cho Nhà nước, thiệt cho người dân” - bà An nói.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đại Thắng - Phó trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, để tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm chậm, trốn đóng BHXH thì luật cần bổ sung các chế tài nhằm tăng tính răn đe đối với trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn tránh đóng, chậm đóng BHXH.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra phân tích rằng: Đóng BHXH phục vụ cho người lao động. Nếu chủ sử dụng lao động mà không đóng BHXH cho người lao động đến khi bị ốm đau, thai sản thì người lao động không được hưởng chính sách của BHXH. Chúng ta phải bảo vệ người lao động. Việc chủ sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH để tích luỹ, đầu tư vào sản xuất. Nhưng khi người lao động bị ốm đau mà không có BHXH thì lấy đâu ra tiền? “Do đó phải tăng nặng chế tài xử lý việc chậm, và trốn đóng, nhất là chế tài về xử lý hình sự. Một nhà máy có 10 nghìn công nhân, nếu chậm đóng BHXH trong 1 năm cho người lao động, để kéo dài từ năm này sang năm khác thì chủ sử dụng lao động dôi ra được bao nhiêu tiền” - ông Vinh nói.
PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, phải có chế tài đủ nặng thì mới buộc được người có trách nhiệm phải đóng BHXH. Thời gian qua do lỏng lẻo nên dẫn đến tình trạng chây ì, không thu được tiền BHXH. Từ đó không có tiền để trang trải cho các hoạt động khác. Doanh nghiệp cần nghĩ đến quyền lợi của người lao động. Việc chậm hoặc trốn đóng BHXH khiến không thu được tiền BHXH, và gây thất thoát. Do đó cần tăng nặng chế tài để xử lý nghiêm đối với hành vi chậm, trốn đóng BHXH.