Mặt trận

Phát động phong trào thi đua 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát' trên cả nước

Anh Vũ - Hương Diệp 13/04/2024 08:54

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, các cấp, các ngành trong thời gian qua.

12.4-xoa-nha-tam.jpg
Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tại lễ khánh thành căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Vinh.

3 năm, gần 140 nghìn căn nhà Đại đoàn kết

Với phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều nguồn vốn dành cho giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đã được lồng ghép vào các chương trình, đề án của Trung ương đến địa phương, trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, có Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được phát động trong toàn hệ thống Mặt trận... những hoạt động này đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 25/4/2023, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên (Đề án 09) với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”. Mục tiêu của chương trình là vận động các nguồn lực của xã hội để trong thời gian 1 năm hỗ trợ làm mới 7.000 đến 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc. Trong đó, hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm 5.000 căn nhà với tổng kinh phí hỗ trợ 250 tỷ đồng.

Ngay sau lễ phát động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, mang theo “tinh thần Ðiện Biên Phủ”, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã bước vào một chiến dịch thần tốc để dựng xây những mái nhà hạnh phúc. Chỉ sau 9 tháng triển khai, 5.000 căn nhà Đại đoàn kết đã hoàn thành trước kế hoạch để các hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong ngôi nhà mới khang trang, bền vững.

Cùng với việc triển khai hiệu quả Đề án 09, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần tích cực cho công cuộc giảm nghèo bền vững. Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ các cấp đã tham mưu, đề xuất và phối hợp triển khai nhiều chương trình, đề án vận động hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

Điển hình như tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025. Năm 2023, toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa trên 2.000 nhà ở với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng, trong đó từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” trên 48 tỷ đồng, tiền mặt và ngày công lao động vật liệu xây dựng hơn 118 tỷ đồng. Còn với tỉnh Nghệ An, kể từ khi phát động chương trình xây dựng nhà cho người nghèo và khó khăn trên địa bàn vào tháng 2 năm ngoái, đến nay, toàn tỉnh đã có 7.517 ngôi nhà được xây dựng và sửa chữa.

Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, để giúp người nghèo ổn định cuộc sống, tỉnh Sóc Trăng ban hành Đề án hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Hay như vùng Tây Nguyên, việc xóa nhà tạm, dột nát cũng được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Tại Đắk Lắk, Bộ Công an đã vận động xây dựng 1.200 căn nhà tình nghĩa, dành cho các hộ nghèo, hộ khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số…

Đánh giá về công tác vận động, giúp đỡ người nghèo của MTTQ Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2023, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định, trong 3 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã quyết tâm, nỗ lực cùng với Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp giúp đỡ người nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, thông qua công tác vận động của MTTQ Việt Nam đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, công sức, giúp đỡ người nghèo, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…vượt qua khó khăn, hoạn nạn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ủy ban MTTQ 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 23.036 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 5.558 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 17.477 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 139.995 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 4,5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám, chữa bệnh; giúp đỡ trên 1 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 673.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm nghìn công trình dân sinh...

Để người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn

Nhìn lại công tác giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng thời gian qua cho thấy, cùng với MTTQ Việt Nam, các địa phương, các cấp các ngành đã tích cực quan tâm vào cuộc, đã góp phần ổn định, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn hàng trăm nghìn hộ gia đình đang phải sinh sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, nhiều nhất ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung, vùng bãi ngang ven biển, nơi địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc tại Quyết định số 134 ngày 31/1/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở chưa đảm bảo 3 cứng theo chiều thiếu hụt về chất lượng là 315.029 hộ (trong đó: hộ nghèo là 230.540 hộ; hộ cận nghèo là 84.489 hộ).

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đã được triển khai đồng bộ như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Dự án 5 của Quyết định số 90 ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án thành phần 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin về các chính sách và kết quả triển khai các chương trình hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay, các địa phương đang triển khai hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Dự án 5 của Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay chương trình đã hỗ trợ được 28.040/126.780 hộ (đạt 22,12%).

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đang được Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là hỗ trợ nhà ở cho khoảng 18.500 hộ nghèo. Mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương là 40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 10% so với mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Ngoài ra, hộ gia đình còn được vay vốn ưu đãi về lãi suất để làm nhà ở từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa là 40 triệu đồng.

Dù còn nhiều khó khăn khi nguồn lực có hạn, số lượng cần hỗ trợ nhà ở còn nhiều nhưng tin rằng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của những tấm lòng thơm thảo trên mọi miền đất nước, những căn nhà tạm, dột nát sẽ dần được thay thế bởi những căn nhà kiên cố, vững chắc, mang đến động lực để các hộ nghèo tiếp tục nỗ lực vươn lên, thay đổi cuộc sống.

Anh Vũ - Hương Diệp