Kinh tế

Trợ lực cho doanh nghiệp vượt khó

H.Hương 13/04/2024 09:46

Nền kinh tế hiện vẫn khó khăn khi chứng kiến một số lượng lớn doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

anhbaiduoi(2).jpg
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là những đối tượng rất dễ chịu tác động mạnh khi có biến động thị trường. Ảnh: Quang Vinh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp (DN) trong nước giảm 14,1 nghìn, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn DN.

Chưa kể nhiều đánh giá còn chỉ ra DN nhỏ và siêu nhỏ có năng lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất dẫn tới hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, các DN nhỏ và siêu nhỏ là những đối tượng rất dễ chịu tác động mạnh khi có biến động thị trường, đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động làm cho các DN quy mô nhỏ với sức chống chọi yếu dẫn đến hoạt động không hiệu quả, buộc phải tạm ngừng hoạt động và giải thể.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), những khó khăn đối với DN như giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất, đầu ra vẫn chưa suy giảm, thậm chí đối với các DN quy mô lớn cũng chịu tác động không nhỏ.

Ông Trần Đình Thiên - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ lo ngại, DN Việt đang thiếu những trụ cột, bệ đỡ. Đến nay vẫn chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất Việt, lực lượng khởi nghiệp sáng tạo mỏng.

“96% DN trong nước thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ. Nền kinh tế mở, nhóm FDI chiếm 2/3 chiếc bánh xuất nhập khẩu. Tăng trưởng GDP quý I có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên khu vực DN Việt Nam lại chỉ đóng góp 10% GDP trong khi đây là khu vực chủ lực” - ông Thiên băn khoăn.

Về kinh tế vĩ mô, dù ổn định nhưng theo ông Thiên, tự thân các con số ấy bộc lộ những nghịch lý cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Đó là tăng trưởng khá nhưng lạm phát thấp. Lạm phát thấp (3,5-4%) nhưng lãi suất lại quá cao (9-10%/năm). Kinh tế vĩ mô được cho là ổn định nhưng thị trường, DN, ngân hàng lại phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Khuyến nghị chính sách thời gian tới, TS Võ Trí Thành cho rằng các nhóm chính sách giải pháp 2023 có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Nếu năm 2023 trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng; năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

“Mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam” - ông Thành nhấn mạnh và cho rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí cả bão tố, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý, dư địa chính sách tiền tệ, giảm lãi suất không còn nhiều. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp không hẳn do lãi suất mà do cầu tín dụng, năng lực hấp thụ còn hạn chế, cầu tiêu dùng và đầu tư vẫn chưa mạnh. Nguồn vốn tín dụng sẽ tăng lên khi cầu tiêu dùng và đầu tư tăng, nhưng cần hướng nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực. Do đó, cần thêm các chính sách kích thích tăng trưởng, ví dụ như chính sách tài khóa.

H.Hương