Niềm vui trong ngày nhận kinh phí hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết
Sáng 13/4, tại lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025, 100 hộ nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã được đón nhận nguồn kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để xây nhà Đại đoàn kết.
Ước mơ cả đời là có ngôi nhà kiên cố
Vui mừng, phấn khởi và xúc động là cảm xúc của những hộ nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc trong ngày được trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết hôm nay (13/4).
Là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Giáp Đắt (huyện Đà Bắc, Hoà Bình), bà Vì Thị Hoa (53 tuổi, dân tộc Tày) không giấu nổi niềm vui hạnh phúc trong ngày được nhận hỗ trợ kinh phí.
Bà Hoa chia sẻ, khi được biết nằm trong danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đợt này, cả gia đình rất xúc động. Để chuẩn bị cho ngày đặc biệt, bà phải dậy từ sáng sớm để sắp xếp công việc nhà rồi cùng cán bộ xã xuống Trung tâm văn hoá huyện Đà Bắc.
“Căn nhà gỗ được dựng lên từ lâu nhưng đến nay đã xuống cấp rất nhiều. Chồng tôi mất sớm, các con gái đi lấy chồng xa, con trai đi làm thuê, giờ chỉ có tôi và mẹ sống dựa vào nhau. Cả năm làm nương rẫy chỉ đủ ăn… chứ chưa bao giờ nghĩ có thể xây được một căn nhà”, bà Hoa chia sẻ.
Cũng đến dự buổi lễ, hai chị em bà Sa Thị Hoà (71 tuổi) - Sa Thị Ly (63 tuổi) trú xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, Đà Bắc, xúc động khi được gọi tên lên trao kinh phí hỗ trợ. Cả 2 trường hợp đều là những hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Căn nhà gỗ dột nát, bị mối mọt chỉ chực đổ xuống mỗi khi trời mưa gió đã trở thành nỗi ám ảnh suốt nhiều năm của 2 chị em.
Là hộ nghèo lại sống trong cảnh neo đơn, cuộc sống của bà Sa Thị Hoà gần như dựa vào sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm và chính quyền.
“Chồng đã mất được hơn 20 năm, con gái đi lấy chồng xa, bản thân tôi lại mắc nhiều di chứng sau tai nạn từ nhỏ nên gần như không có khả năng lao động. Đến tuổi gần đất xa trời này, tôi chẳng mong gì hơn ngoài đủ ăn từng bữa. Chưa bao giờ tôi dám mơ đến một căn nhà mới”, bà Hòa run run chia sẻ.
Căn nhà bà Hoà đang ở giờ đã rách nát, mối mọt ăn gần hết cột nhà và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Những tấm xi măng xin được để lợp mái cũng đã xuống cấp sau nhiều năm che mưa che nắng.
Động lực để vươn lên thoát nghèo
Nhận nguồn kinh phí hỗ trợ, bà Hòa xúc động: “Tôi cũng không biết nói gì hơn lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các mạnh thường quân đã giúp tôi có căn nhà để yên tâm sống nốt phần đời còn lại”.
Bà Sa Thị Ly, em gái bà Hoà, ngồi bên cạnh chia sẻ thêm về hoàn cảnh của mình: “Hai chị em tôi đều vất vả từ nhỏ. Đến khi lập gia đình thì cả 2 chị em chồng đều mất sớm, con cái lập gia đình và đi làm ăn xa. Quanh năm chúng tôi chỉ làm ruộng nương và chăn nuôi con gà, con lợn.
Nhà gỗ dựng lên tạm bợ từ mấy chục năm nay, vốn liếng không có gì nên có tích cóp từ giờ đến cuối đời cũng không đủ làm được một phần của căn nhà kiên cố".
"Có được căn nhà mới sẽ là niềm động lực lớn lao để giúp hai chị em vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo, thoát khổ", bà Ly bày tỏ.
Vui mừng, phấn khởi cũng là cảm xúc của ông Triệu Văn Sơn (57 tuổi, dân tộc Dao, xã Cao Sơn, Đà Bắc). Căn nhà gỗ trên đồi được 2 vợ chồng dựng lên hơn 20 năm đến nay đã không còn vững chãi. Ước mong có căn nhà kiên cố để che mưa che nắng nay đã sắp thành hiện thực.
"Có nhà cửa là yên tâm để trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Chỉ biết nói lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến chúng tôi, giúp những người nghèo chúng tôi có động lực để tiếp tục vươn lên", ông Sơn bày tỏ quyết tâm.
Huyện Đà Bắc là một trong 74 huyện nghèo trong cả nước, có trên 76% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số; hiện trong toàn huyện còn gần 1.000 hộ gia đình đang chưa có nhà ở ổn định kiên cố.