Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Cần hết sức nỗ lực vì sinh mạng của người dân
Sau hơn 2 năm triển khai, đề án bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở tại 9 huyện miền núi Thanh Hóa đang thực hiện khá chậm, mới đạt khoảng 10%. Tại hội nghị sơ kết đề án này, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Cả hệ thống chính trị từ cấp cơ sở, đến cấp tỉnh cần hết sức nỗ lực vì cuộc sống, tính mạng của người dân.
Tiến độ rất chậm, huyện Mường Lát 'trắng' hộ dân TĐC xen ghép
Chiều 12/4, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án với mục tiêu đến năm 2025, sẽ bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở tại 54 xã thuộc 9 huyện miền núi theo 3 hình thức: Tái định cư (TĐC) xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC liền kề cho 846 hộ/34 dự án (DA) và TĐC tập trung cho 878 hộ/17 DA. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là gần 550 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ trực tiếp các hộ dân là gần 160 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC liền kề là gần 127 tỷ đồng, khu TĐC tập trung là hơn 263 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND các huyện, đến nay, đã thực hiện tái định cư (TĐC) xen ghép cho 131/1.122 hộ dân, cụ thể: Huyện Lang Chánh 7/26 hộ; Bá Thước 33/141 hộ; Như Xuân 4/25 hộ; Quan Hóa 42/320 hộ; Thạch Thành 4/35 hộ; Quan Sơn 37/386 hộ; Như Thanh 2/24 hộ; Thường Xuân 2/35 hộ; Mường Lát 0/130 hộ.
Đến nay, có 4 DA TĐC tập trung cho 151 hộ dân đã hoàn thành. Cùng với đó, đã duyệt 51 DA/1.724 hộ dân, trong đó, TĐC liền kề là 34 DA/846 hộ dân, TĐC tập trung là 17 DA/878 hộ dân. Có 17 DA/556 hộ đã được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó, TĐC liền kề có 11 DA/243 hộ, TĐC tập trung 6 DA/313 hộ.
Đến nay, đã phân bổ và giải ngân trên 70 tỷ đồng cho các DA TĐC, trong đó, ngân sách tỉnh là trên 66 tỷ đồng, ngân sách huyện là hơn 4 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến các DA TĐC triển khai chậm, tiến độ đạt hơn 10%, lãnh đạo UBND các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... cho rằng: Do các hộ dân sống trong vùng sạt lở có quỹ đất ở ít, kinh tế hạn hẹp nên rất khó để mua đất TĐC, gần như chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các huyện miền núi có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí TĐC đảm bảo an toàn càng khó khi quỹ đất ở rất hạn chế.
Nhiều nơi dự kiến xây dựng khu TĐC cho các hộ dân cách xa trung tâm xã, huyện; cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đá rất lớn dẫn đến chi phí san nền, chi phí vận chuyển vật liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng khu TĐC lớn.
Cùng với đó, do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trên địa bàn một số huyện (Mường Lát, Thường Xuân) không có mỏ đất đắp, mỏ cát ở rất xa, phải lấy từ các địa phương khác nên tổng mức đầu tư khu TĐC lớn, gây khó khăn trong việc thực hiện. Một số khu vực dự kiến xây khu TĐC nằm trên đất ở, đất sản xuất của dân nên phải bồi thường GPMB, trong khi nguồn ngân sách của các huyện miền núi có hạn, chưa cân đối được kinh phí để thực hiện.
Theo lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, nguyên dẫn đến việc xây dựng khu TĐC đạt tỷ lệ rất thấp là do một số DA khi thẩm định không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; các huyện cũng chưa khảo sát cụ thể diện tích, quy mô các khu TĐC; các hộ dân thực hiện TĐC xen ghép chưa chủ động tìm quỹ đất để di chuyển, các huyện cũng chưa xây dựng kế hoạch để di chuyển dân hoặc có phương án điều chỉnh hình thức sắp xếp, ổn định dân cư.
Trong thực hiện TĐC liền kề, nhiều địa phương lựa chọn vị trí cách xa khu dân cư dẫn đến phải đầu tư nhiều hạng mục như đường sá, điện nước, hạ tầng..., làm tăng tổng mức đầu tư DA. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, mặc dù UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương căn cứ vào định mức hỗ trợ để chủ động rà soát quy mô đầu tư, lựa chọn phương án kỹ thuật, phương án bố trí các điểm dân cư phù hợp nhưng trong quá trình thẩm định, các địa phương chưa sát sao chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện.
Nếu cần thiết, sẽ điều chỉnh toàn bộ đề án
Ông Hà Văn Ca - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Có những quả đồi dự kiến xây dựng khu TĐC mà khoan thăm dò thấy toàn đá, khi đào sâu lên 1,5m thì phát sinh khối lượng đất, đá thải rất lớn, phải tốn kinh phí để chuyển đi. Cùng với đó, khi xây dựng trên dốc cao, phải có kè chống sạt lở, phải kéo điện, nước... cho người dân dẫn đến nhiều chi phí phát sinh, làm tăng tổng mức đầu tư dự án.
Ngoài ra, ông Ca còn cho rằng, quỹ đất để xây dựng khu TĐC trên địa bàn còn rất ít, toàn núi cao nên rất khó để quy hoạch. Sau khi nhận khuyết điểm, ông Ca thừa nhận, lãnh đạo huyện vẫn chưa đấu mối tốt với các sở, ngành của tỉnh, chưa sâu sát địa bàn, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng sạt lở di chuyển tới nơi ở mới nên tới nay, vẫn chưa có hộ nào được TĐC xen ghép.
Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Trong 9 huyện miền núi thực hiện đề án, còn nhiều huyện chưa quyết tâm, quyết liệt, sâu sát dẫn tới thực trạng tỷ lệ các hộ dân được TĐC rất thấp, điển hình như huyện Mường Lát. "Lãnh đạo các địa phương cần phải nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm, nếu cần thiết thì các thành viên trong Ban Thường vụ Huyện ủy phải đến từng nhà để vận động bà con thực hiện TĐC, cốt làm sao để đảm bảo an toàn cho dân, cho dù có xảy ra thảm họa như Sa Ná năm nào thì cũng không ảnh hưởng đến họ", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, để tránh tình trạng các dự án khu TĐC bị đội vốn, các địa phương cần kết hợp hài hòa trên cơ sở suất đầu tư, lồng ghép, tận dụng tối đa các đề án, chương trình, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội. Cùng với đó, phải xem xét kỹ vị trí thực hiện xem dạng TĐC nào là tối ưu, phù hợp, an toàn nhất. "Đưa người dân đến nơi ở mới, chúng ta cần phải tính xem họ sẽ sản xuất gì ở đấy, sống bằng nghề gì, có đảm bảo sinh kế lâu dài không. Bởi vậy, công tác khảo sát ban đầu để chọn vị trí làm khu TĐC rất quan trọng vì nếu ở nơi quá heo hút, người dân sẽ xa nơi canh tác, xa khu trung tâm thì không làm ăn được gì cả. Như vậy, rồi họ sẽ lại phải trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ, rồi mục tiêu của việc TĐC cũng sẽ khó lòng đạt được", ông Hưng nói.
Kết luận hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong 2 ngày đi thực địa tại các khu TĐC tại 3 huyện Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát, ông nhận thấy rất nhiều bất cập trong quá trình khảo sát địa chất, lựa chọn khu vực làm TĐC và việc thi công DA.
"Đi thực tế tại 3 huyện, tôi thấy còn rất nhiều vị trí có thể làm khu TĐC với mức phí chắc chắn là thấp hơn ở những chỗ huyện chọn. Lấy ví dụ tại khu TĐC bản Suối Lóng ở xã Tam Chung, nếu làm, riêng tiền san lấp đã là 8 tỷ, tiền điện 5 tỷ, chưa kể tiền kéo nước về, rồi phải xây dựng cơ sở hạ tầng, làm kè... thì có thể mất gần 100 tỷ đồng. Nghe báo cáo mà tôi thấy bất hợp lý vô cùng, vì khu TĐC này mục tiêu chỉ phục vụ gần 20 hộ dân, nếu đầu tư như thế thì không ngân sách nào chịu nổi. Ngay sau đó, tôi đã đề nghị lãnh đạo huyện Mường Lát và đơn vị tư vấn tính toán lại, nếu xây khu TĐC tập trung tốn kém như thế thì ta lồng ghép, chọn đưa những hộ dân trên vào các khu TĐC liền kề hoặc TĐC xen ghép cũng được, như thế sẽ tốn ít chi phí hơn rất nhiều", ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, sẽ cho các địa phương hơn 1 tháng để tổng rà soát về các DA TĐC, rà soát từng hộ dân để có một con số tổng hợp cụ thể, chính xác, báo cáo về UBND tỉnh chậm nhất trước ngày 15/5. Trên cơ sở báo cáo, tỉnh sẽ họp và nếu cần thiết, sẽ điều chỉnh toàn bộ đề án.
"Việc rất cấp bách nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn rất hạn chế, thiếu sâu sát. Trong báo cáo gửi tỉnh tới đây, các đồng chí cứ đề xuất kiến nghị của địa phương, như chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm khu TĐC. Ngoại trừ đất rừng tự nhiên không thuộc thẩm quyền tỉnh quyết, còn lại đất rừng sản xuất, đất lúa nếu cần chuyển đổi, các đồng chí cứ đề xuất lên sở, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện nhanh nhất, có vấn đề gì tôi chịu trách nhiệm", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định.