Dưới bóng của làng
Tôi không biết đã có bao nhiêu nhà văn từng viết về làng quê. Nhưng chắc chắn một điều, con số đó khá nhiều. Bởi làng quê vốn là nơi chốn thân thuộc của tất cả chúng ta, là một bảo tàng của những kỷ niệm và biểu tượng sống.
Chỉ có điều, cuộc sống phát triển, làng quê đổi khác, và bây giờ, không nhiều lắm những nhà văn trở về làng, ngồi trong bóng tối của ngôi nhà cổ, mà suy ngẫm, mà trăn trở viết ra những câu chuyện chứa đựng mật mã của thời đại này.
Tôi không phải là nhà văn, nên không thể viết ra những câu chuyện mang nặng sức mạnh của sự chứa đựng ấy. Nhưng mỗi lần trở về làng, trong tôi thường có cảm giác của sự mất mát. Chỉ khi làng chìm trong bóng tối với những tiếng dế kêu khan, những làn gió đồng mát thơm mùi lúa trổ đòng, tôi mới thấy lại được dấu ấn tuổi thơ của mình. Nhưng chỉ thoáng hiện ra thôi, còn cảm giác mất mát vẫn trội lên, chật chội trong suy nghĩ.
Lần gần đây nhất, cảm giác mất mát ấy lại hiện về, khi dân làng tôi mất đi một cây gạo cổ thụ gắn với tuổi thơ của nhiều kiếp người. Cây gạo đã đứng ở đầu làng suốt bao năm, in lặng suốt bao ngày, chỉ bừng thức những bông hoa lửa vào mỗi độ tháng ba, và đã trở thành “biểu tượng sống”, thân thuộc đến nỗi cứ rời khỏi làng là người ta lại nhớ về gốc gạo ấy.
Nhưng làng quê thì ngày càng phát triển, giờ đây con đường trải nhựa đã chạy qua gốc gạo làng. Xe máy, xe tự chế và ôtô các loại… suốt ngày đêm chạy qua gốc gạo già, lèn những lớp đất cho thật chặt. Cho đến một ngày, bộ rễ già nua của cây gạo không thể chống đỡ nổi. Và một “biểu tượng sống” gắn chặt với một ngôi làng Việt đã mãi mãi chia xa.
Tôi nhớ tới nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông đã viết: “Khi một cái cây biến mất thì nó để lại nơi đó một lỗ thủng. Nó để lại một sự trống rỗng không bù đắp được. Một ngôi nhà bị đổ có thể xây lại trong hai, ba năm. Nhưng một cái cây 100 năm tuổi biến mất chúng ta phải đợi 100 năm nữa mới được nhìn thấy…
Hãy tưởng tượng một ngày tỉnh giấc, chúng ta không còn nhìn thấy một cái cây nào nữa ở trong vườn, trước cửa nhà hay dọc con phố của mình. Có thể chúng ta không nhận thấy sự cần thiết vô cùng của “họ” trong một thời gian dài. Nhưng tâm hồn chúng ta sẽ giống như người ủ bệnh nhiều năm”.
Cùng với sự biến mất của gốc gạo đầu làng, những lũy tre xanh gắn bó với làng Việt cũng đang không còn nữa. Xưa, làng nào cũng nhiều lũy tre xanh lắm. Ven bờ ao, bờ đập, bờ đê; ven đường làng, tre được trồng rất nhiều ở những xóm gần đồng, giáp ranh với những thôn, làng lân cận. Những lũy tre xanh được coi là “lũy làng”. Mùa hè nắng lửa, bà con ngồi dưới bóng tre hóng mát…
Thế nhưng, về làng bây giờ, nhiều nơi không còn bụi tre xanh nào nữa. Tre xanh chỉ còn trong ký ức và những câu chuyện kể của người già…
Giữa sự biến đổi đến chóng mặt của làng quê hôm nay, giữa sự biến mất ẩn chứa nhiều bí mật của những biểu tượng vốn gắn bó với làng Việt, tôi vẫn mong có thêm nhiều nhà văn về ngồi lặng im trong bóng tối của ngôi làng để suy ngẫm, và viết ra giấy trắng.
Rất có thể tất cả những trang viết văn chương ấy không thể cứu được những “biểu tượng sống” gắn bó với làng Việt một cách trực tiếp, nhưng những trang viết có sức mạnh của sự cứu rỗi.
Và điều đó, chắc chắn sẽ gặp nhiều tiếng vọng của sự đồng cảm, để chúng ta có kế hoạch gìn giữ, và gây dựng lại những vẻ đẹp của làng quê...