Chập chờn giá dầu mỏ
Tại cuộc họp lần thứ 53 mới đây, Ủy ban Giám sát cấp bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) đã quyết định không thay đổi chính sách sản lượng, giữa lúc giá dầu thô ghi nhận mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Cuộc chiến giá dầu hầu như không giảm sức nóng bất chấp những kêu gọi giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, cũng như đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh để chống biến đổi khí hậu.
Trong phiên giao dịch ngày 9/4, giá dầu thô Brent đã vọt lên hơn 89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023. Tháng 2/2024, các thành viên OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga đã nhất trí gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6 năm 2024 để hỗ trợ thị trường. Tuyên bố của OPEC+ cũng nêu rõ: Các nước tham gia cắt giảm tự nguyện có sản lượng dư thừa trong quý 1/2024 sẽ gửi kế hoạch bù đắp chi tiết của họ cho Ban Thư ký OPEC trước ngày 30/4.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 1/2, OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên chính sách sản lượng dầu thô. Cuộc họp tiếp theo của JMMC dự kiến diễn ra vào ngày 1/6 tới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cho dù chính sách của OPEC+ có biến đổi ra sao thì giá dầu thô trong năm 2024 vẫn sẽ còn tăng. Có thể nói, thế giới chưa hết vui mừng với thỏa thuận khí hậu lịch sử tại COP28 (tháng 12/2023), các ông lớn ngành dầu mỏ đã dội gáo nước lạnh khi tuyên bố việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch là chuyện viễn tưởng. Dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới 104 triệu thùng/ngày trong năm nay, bất chấp sự góp mặt của xe điện, năng lượng gió và mặt trời.
Wael Sawan - CEO công ty kinh doanh LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) lớn nhất thế giới là Shell, cho rằng sẽ có một hệ thống năng lượng đa chiều trong tương lai, và dầu khí sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định hệ thống đó, “trong một thời gian rất, rất lâu nữa”. Còn Patrick Pouyanne - CEO tập đoàn năng lượng khổng lồ Total Energies của Pháp dự báo năm 2024 này giá dầu mỏ vẫn rất khó đoán định.
Trên thực tế, tuyên bố của các ông lớn ngành dầu mỏ được củng cố bởi sản lượng dầu khí kỷ lục và sự nghi ngờ của người tiêu dùng đối với việc mua xe điện. Đồng thời, các công ty điện lực đang gấp rút bổ sung thêm khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ từ các trung tâm dữ liệu vốn rất tốn điện.
Đáng chú ý, Mỹ hiện đang bơm nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt trung bình 12,9 triệu thùng/ngày; phá kỷ lục trước đó là 12,3 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019. ExxonMobil và Chevron, 2 công ty năng lượng lớn nhất của Mỹ, đã báo cáo lợi nhuận hàng năm cao kỷ lục trong một thập niên vào năm ngoái: Exxon Mobil thu về 36 tỷ USD, trong khi Chevron thu về 21,4 tỷ USD.
Theo giáo sư David Victor (Đại học California ở San Diego, Mỹ), tới nay xe chạy điện vẫn chưa thắng thế xe chạy xăng trên phạm vi toàn cầu và ngay tại nước Mỹ. Việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch lộ trình ra sao và đặc biệt là ai sẽ thực hiện việc chuyển đổi mới là quan trọng. “Người tiêu dùng có từ bỏ thói quen cũ hay không? Các ông lớn dầu mỏ có “dừng tay” hay không? Hiện nay câu trả lời vẫn là không” - giáo sư David nói với Washington Post.
Trong khi đó, khép phiên giao dịch ngày 9/4, giá dầu Brent biển bắc giao tháng 6/2024 tăng 1,5 USD (lên 90,5 USD).
Trung Đông được coi là “thủ phủ” dầu mỏ thế giới. Những xung đột kéo dài tại khu vực càng đẩy giá dầu vào chỗ khó đoán định. Nhà phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng UBS nhận định, nếu các thành viên OPEC+ thực thi cam kết giảm sản lượng khai thác thì trong quý 2 này giá nhiên liệu càng có cơ sở để tăng; bất chấp việc Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu tồn kho của Mỹ hiện ở mức 3 triệu thùng, có thể tung ra thị trường với mục đích can thiệp hạ giá.
Đáng chú ý, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, kết quả một cuộc khảo sát chính thức các nhà máy cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 3 đã tăng lần đầu tiên sau 6 tháng. Bob Yawger - Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận xét nhu cầu xăng sẽ tăng mạnh trong mùa hè và sự phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể là cú hích “có một không hai” khiến giá dầu tăng vọt lên mức 100 USD/thùng.
Các chuyên gia thuộc Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định, giá dầu có thể đi lên tới mức 90 USD/thùng trong thời gian tới, nhất là khi xung đột tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn; căng thẳng trên Biển Đỏ cũng như tại Trung Đông mở rộng. Cho dù chính sách của OPEC+ có biến đổi ra sao thì về tổng thể giá dầu thô trong năm 2024 vẫn sẽ tăng cao hơn năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chập chờn của giá dầu mỏ được cho là do mức độ tăng trưởng của xe điện, năng lượng gió và mặt trời vẫn rất hạn chế.