Lưu ý cách chọn nguyện vọng vào lớp 10 để tránh ‘trượt oan’
Từ nay tới trước ngày 19/4, học sinh cần tham khảo thông tin về các trường THPT để đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2024-2025.
Tập dượt điền phiếu đăng ký dự tuyển
Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2 và 3.
Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Theo kế hoạch, ngày 16/4, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã sẽ tiếp nhận “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025” do Sở GDĐT Hà Nội phát hành, sau đó sẽ chuyển tới từng THCS, trường phổ thông có cấp THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Sở GDĐT Hà Nội cho biết, ngày 19/4, các trường sẽ thu “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025”.
Như vậy, chỉ còn 5 ngày nữa sẽ đến thời hạn học sinh nộp phiếu đăng ký dự tuyển lớp 10. Theo ghi nhận, thời điểm này, các trường THCS trên địa bàn đã phổ biến và cho sinh tập dượt đăng ký nguyện vọng trên mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 do Sở GDĐT đã công bố trước khi các em điền thông tin chính thức.
Điều này sẽ giúp học sinh tránh được những sai sót, nhầm lẫn, nhất là về thông tin cá nhân và các nguyện vọng học tập.
Vì vây, ngay từ thời điểm này, học sinh và phụ huynh cần đọc kỹ quy định liên quan kỳ thi, đồng thời tìm hiểu về trường trên địa bàn tuyển sinh dự kiến đăng ký nguyện vọng để có quyết định phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của gia đình.
Lưu ý 3 yếu tố khi lựa chọn nguyện vọng
Nhằm giúp học sinh có căn cứ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, Hà Nội phân chia địa bàn các quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh.
Việc phân chia khu vực tuyển sinh nhằm bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp học sinh không phải di chuyển quá xa để đi học.
Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).
Lưu ý quan trọng mà học sinh cần nhớ là nguyên tắc xét tuyển vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội, thí sinh phải làm đủ 3 bài thi, gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán và không có bài thi nào bị điểm 0.
Nếu học sinh mang tài liệu, vật dụng trong danh mục cấm vào phòng thi thì theo quy chế, học sinh vi phạm ở môn thi nào, sẽ bị đình chỉ thi và bị điểm 0 ở bài thi đó.
Quy định mỗi học sinh có 3 nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập không phải quy định mới. Nhưng học sinh và gia đình không thể chủ quan mà hãy tìm hiểu, cân nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng. Bởi thực tế các năm trước, từng có học sinh học khá nhưng trượt cả 3 nguyện vọng. Nguyên nhân cơ bản là do việc lựa chọn nguyện vọng chưa sát với năng lực học tập.
Ngoài ra, học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Sở GDĐT Hà Nội khuyến cáo, các gia đình học sinh trong quá trình lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập cần lưu ý 3 yếu tố: Năng lực học tập của học sinh (căn cứ kết quả khảo sát hàng tháng và năng lực học tập hàng ngày); điểm chuẩn vào lớp 10 của trường trong 3 năm trở lại đây và khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường để bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa.
Việc được đăng ký tới 3 nguyện vọng là một thuận lợi mà học sinh cần tận dụng để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất, tuy nhiên, các nguyện vọng phải sắp xếp theo thứ tự và bảo đảm “độ rơi” của điểm chuẩn.
Mỗi khu vực tuyển sinh gồm từ 2 đến 4 quận, huyện có địa giới hành chính gần nhau và đều có đủ các trường có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, các gia đình học sinh cần quan tâm tham khảo kỹ về các trường ở từng khu vực tuyển sinh để chọn nguyện vọng phù hợp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên của Hà Nội được tổ chức trong 2 ngày, từ 8-9/6.
Cụ thể, sáng 8/6, thí sinh thi môn Ngữ văn (120 phút) theo hình thức tự luận; chiều cùng ngày thi Ngoại ngữ, theo hình thức trắc nghiệm (thời gian làm bài 60 phút). Sáng 9/6, thí sinh thi môn Toán (120 phút).
Đối với môn Ngoại ngữ, sẽ có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề. Thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính.