Du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Lại lo quá tải, chặt chém
Còn khoảng 2 tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè. Một số chuyên gia dự đoán, kỳ nghỉ lễ tới du lịch nội địa sẽ bùng nổ. Song nhiều người lại lo ngại sự quá tải của các điểm đến và chất lượng dịch vụ, cũng như giá cả tăng cao, gây ảnh hưởng đến việc trải nghiệm, từ đó tạo ấn tượng xấu khiến nhiều người không muốn quay lại.
“Nạn chặt chém” vẫn tiếp diễn
Đến hẹn lại lên, đặc biệt là trong mùa du lịch cao điểm, câu chuyện thét giá, kèm theo đó là sự đông đúc vẫn sẽ là những ám ảnh đối với du khách.
Chưa cần nhắc đến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cũng không cần nói đâu xa, ngay tại Hà Nội vẫn diễn ra việc chặt chém giá cả, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Gần đây, một clip ghi lại việc "chặt chém" khách nước ngoài cũng được bàn tán sôi nổi trên mạng.
Trong clip cho thấy, một túi táo nhỏ được người bán hàng rong "hét giá" lên tới 200.000 đồng. Biết mình bị bán đắt, cặp đôi du lịch muốn trả túi táo, lấy lại 200.000 đồng nhưng người phụ nữ kia vẫn giữ chặt tờ tiền, muốn bỏ thêm xoài cho du khách, nhưng họ vẫn kiên quyết lấy lại tiền mà không mua bất cứ loại trái cây nào. Cho đến khi một anh bảo vệ gần đó tiến tới giải quyết thì người bán hàng mới chịu trả lại tiền cho 2 vị khách.
Không chỉ khách nước ngoài, nhiều khách du lịch trong nước cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân, trong đó, một du khách từ TPHCM ra Hà Nội du lịch, mua một túi hoa quả dầm với vài miếng trái cây lắc muối ớt ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm có giá hơn 200.000 đồng; hay một cân củ đậu có giá 250.000 đồng và nhiều câu chuyện khác nữa.
Những trường hợp trên sau đó đã phải làm việc với các cơ quan chức năng địa phương và bị xử phạt theo quy định. Nhưng những hành động của họ đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố nói chung đối với khách du lịch.
Nhìn nhận về thực trạng này, đại diện Công ty Du lịch Khát Vọng Việt cho rằng, tình trạng “chặt chém” du khách những năm qua là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến Thủ đô đã một đi không trở lại.
“Du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch để họ nghỉ dưỡng, để tìm hiểu khám phá phong tục tập quán, văn hóa của con người nơi đây nhưng họ lại gặp những trường hợp “chặt chém” gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như suy nghĩ của họ khi đến đất nước mình và có lẽ điều đó cũng khiến cho một số du khách không còn chọn Việt Nam làm điểm đến nữa", bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt nói.
Giới chuyên gia du lịch và đại diện nhiều hãng lữ hành cùng chung quan điểm: dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới lượng khách du lịch đến các địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ rất đông, đặc biệt là những địa phương có bãi biển đẹp. Vì thế không ít đối tượng sẽ lợi dụng để trục lợi, đôn giá để thu lời.
Biết là như vậy nhưng du khách cũng chỉ đành ngậm ngùi, cắn răng chi trả cho những chi phí phát sinh đắt đỏ ấy vì họ đã biết trước đây là điều quá quen thuộc, ai cũng phải “chấp nhận” khi đến những khu du lịch đông người. Nhưng về lâu dài, nếu vẫn không có những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” thì đây chính là nguyên nhân lớn kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.
Cách nào níu chân du khách?
Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, nhưng để tận dụng hết tiềm năng sẵn có thì cần đến những quy định trong việc quản lý, phát triển du lịch, hướng tới du lịch bền vững.
Trong đó yếu tố dịch vụ, giá cả là một trong những điều tiên quyết để níu chân du khách và tạo cho họ nguồn cảm hứng muốn quay trở lại, xây dựng vòng du lịch tuần hoàn.
Vừa qua, nền tảng du lịch trực tuyến Agoda đã chia sẻ các điểm đến có giá phòng trung bình thấp nhất.
Theo đó, Udon Thani, Thái Lan là lựa chọn vô cùng phù hợp cho du khách quan tâm đến du lịch tiết kiệm. Trong khi đó, tại Việt Nam, Cố đô Huế là nơi du khách có thể tận hưởng mức giá phòng cạnh tranh nhất vào tháng 4 và tháng 5 với giá phòng trung bình 43 USD (khoảng 1.066.000 VND).
Không chỉ có mức thuê phòng ổn định, tại Huế, lần đầu tiên một khu chợ truyền thống đã thông báo treo thưởng 500.000 đồng cho ai phát hiện tiểu thương ở chợ “chặt chém”. Theo đó, chợ Đông Ba đã buộc các tiểu thương buôn bán ở chợ niêm yết giá từng mặt hàng, kể cả những mặt hàng nhỏ như chiếc bật lửa, đôi dép, cái kéo, bánh. Nhiều năm gần đây, chợ gần như không còn tình trạng "chặt chém" giá cả - từng là nỗi ái ngại cho du khách thập phương khi đến tham quan khu chợ truyền thống có tuổi đời hơn 120 năm này.
Tại Phú Quốc, sau một vài vụ việc “chặt chém” giá cả với du khách thời gian trước đây, cuối tháng 2/2024, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã ký ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Phú Quốc. Bộ quy tắc nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại thành phố này.
Trong đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch như hướng dẫn du khách tuân thủ pháp luật và các quy định tại điểm đến, không phân biệt đối xử với khách du lịch, tích cực hỗ trợ du khách trong trường hợp xảy ra rủi ro, cần giúp đỡ.
Yêu cầu các dịch vụ du lịch cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa uy tín, chất lượng, an toàn; công khai giá cả, dịch vụ, hàng hóa và bán đúng theo giá niêm yết. Cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín. Không chèo kéo, đeo bám, tranh giành, nài ép khách du lịch; không cấu kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác để trục lợi từ khách du lịch…
Đã có những biện pháp thiết thực đến từ các địa phương để khắc phục và ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, tuy nhiên, để xây dựng đồng bộ hình ảnh du lịch Việt Nam tươi đẹp, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý phải làm hết trách nhiệm trong việc ngăn chặn hiện tượng này cũng như định hướng kinh doanh cho người dân.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn, để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, chính quyền địa phương cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý du lịch. Cụ thể yêu cầu các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm. Công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ… du khách.
Còn theo Tổng giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, trước vấn nạn "chặt chém" đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt, điều ngành du lịch cần làm ngay là ban hành một bộ tiêu chí chấm điểm quản trị, phát triển du lịch cho các tỉnh, thành.
Các tiêu chí có thể bao gồm quản lý an ninh, trật tự, an toàn dành cho khách du lịch; Bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, bến bãi...; Chất lượng và sự hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ. “Bộ tiêu chí khi được ban hành sẽ tạo áp lực khiến nhà quản lý địa phương phải vào cuộc ngăn chặn hiện tượng “chặt chém” - ông Đạt nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội): Lập quy định cho các tiểu thương
Vấn đề "chặt chém", "chèo kéo" du khách đã diễn ra từ lâu và khó giải quyết triệt để, đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung nhiều khách du lịch... Khi xảy ra hiện tượng như vậy thì rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch cũng như hình ảnh địa phương, đặc biệt trong thời đại truyền thông, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Để giải quyết tình trạng này phải có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng liên ngành. Cần có quy định những khu vực nào bán hàng và không được bán hàng để hạn chế tình trạng đối tượng "chặt chém" thường xuyên xuất hiện cũng là một giải pháp hiệu quả. Chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần có sự quan tâm đề xuất đưa ra công việc làm ăn phù hợp hơn cho họ.
Cùng với đó cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của tỉnh, thành phố. Đồng thời, nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.