Khơi thông dòng chảy xuất bản điện tử
Xuất bản điện tử đang là xu hướng và đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngành xuất bản. Tuy nhiên, vấn đề ngăn chặn vi phạm bản quyền trên không gian số vẫn luôn là thách thức.
Sau thời gian kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát thì hiện nay, xuất bản phẩm điện tử ở nước ta cũng đã được nâng tầm và chuyên môn hóa.
Thói quen tiêu thụ các nội dung số đang dần hình thành. Các nền tảng sách online như Waka, Voiz FM, Fonos… trở nên quen thuộc và phù hợp với nhịp sống bận rộn, sôi động của các bạn trẻ yêu sách. Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện về pháp lý và môi trường công nghệ cho sự phát triển của hoạt động xuất bản phẩm điện tử và kinh doanh sách điện tử trên môi trường internet.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành, thể hiện bằng sự phát triển số lượng các đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Đến hết năm 2023 đã có 21 đơn vị được cấp giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy xác nhận. (Dự kiến tăng 27 - 28 đơn vị năm 2024). Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp trong thời gian năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số NXB khối đại học. Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu. Một số cơ sở phát hành chưa chú trọng đầu tư, hoặc đầu tư chuyển đổi số, phát triển nền tảng phát hành xuất bản phẩm còn hạn chế nên hiệu quả còn chưa cao.
Bên cạnh đó, các vi phạm bản quyền với tình trạng phát hành sách lậu còn tràn lan trên internet mà việc tìm kiếm và ngăn chặn là rất khó khăn. Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực, trong đó có xuất bản và phát hành sách, đặc biệt là sách điện tử trên không gian mạng. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Các chuyên gia cho rằng, sự thông thoáng trong chính sách pháp lý, làm sao để việc cấp phép sách điện tử được nhanh chóng, thuận lợi cho các đơn vị xuất bản. Cần tạo ra một thị trường sách điện tử sôi động, giúp cho độc giả có nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả, xử lý các vi phạm trong quyền tác giả cũng cần được chú trọng.
Bà Oanh cho rằng, tôn trọng và thực thi nghiêm túc pháp luật bản quyền, đặc biệt là bản quyền sách trên không gian mạng, chung tay hành động quyết liệt bảo vệ bản quyền sách góp phần khuyến khích các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy đầu tư khai thác phát triển thị trường sách, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan nhằm tạo dựng hành lang pháp lý khuyến khích hoạt động sáng tạo; bảo vệ bản quyền trên không gian mạng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khai thác và bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
Còn theo ông Nguyễn Nguyên, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các giải pháp phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và đơn vị xuất bản để hỗ trợ để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các NXB. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển NXB số và hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các NXB, bổ sung các tính năng hỗ trợ, quản lý quy trình, quản lý đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản, triển khai giải pháp hỗ trợ để xuất bản sách trên cơ sở đa nền tảng.
Xuất bản trong thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở, vì vậy các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số. Nâng cao chất lượng bản thảo bằng việc chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài có tính thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam, để kinh doanh sách điện tử, doanh nghiệp cần có hệ thống kinh doanh riêng khác biệt với mô hình của sách giấy. Công nghệ là khâu tiên quyết, đòi hỏi đầu tư rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian. Khó khăn này cần có những giải pháp và chia sẻ, hợp tác giữa các NXB nhỏ với các NXB lớn đã có sẵn nền tảng.