Kinh tế

Nông dân chờ ngày bán tín chỉ carbon

Thanh Tiến 15/04/2024 06:56

Người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ chờ đợi lúa chất lượng cao, lợi nhuận tốt, đầu ra ổn định mà với 1 triệu ha lúa này, số tiền thu được từ bán tín chỉ carbon cũng không hề nhỏ. Vậy tới khi nào thì người trồng lúa có thêm nguồn thu nhập từ tín chỉ carbon?

anhbaitren(1).jpg
Người nông dân mong đợi ngày có thể thu tiền từ bán tín chỉ carbon khi tham gia Đề án. Ảnh: Thanh Tiến.

Băn khoăn về cách mua bán tín chỉ carbon

Anh Dương Văn Siêu (Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, anh và một số hộ dân trong HTX đã đăng ký tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Tham dự lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại TP Cần Thơ, anh Siêu càng tin tưởng và kỳ vọng vào Đề án. “Đề án sẽ mang lại lợi ích cho bà con nông dân rất nhiều, không chỉ hạt lúa đạt chất lượng cao hơn, môi trường tốt hơn mà còn giúp cho nông dân có thêm nguồn thu nhập từ việc giảm phát thải. Nếu thành công thì sắp tới nền nông nghiệp sẽ phát triển mạnh lắm” - anh Siêu phấn khởi nói.

Khác với kỳ vọng của anh Siêu, một số nông dân tại Kiên Giang cho biết, họ còn khá mơ hồ về đề án cũng như việc bán tín chỉ carbon. Được biết, năm 2024, Kiên Giang sẽ có 60.000ha lúa nằm trong đề án “1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Dự kiến sẽ bán tín chỉ carbon khoảng 30.000ha. Thế nhưng, nhiều người cho biết họ vẫn chưa hiểu cách đo đạc, mua bán tín chỉ thế nào.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Luông – Giám đốc HTX Kinh 5A (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), HTX có 643ha lúa và cũng đã đăng ký tham gia đề án. “Tuy nhiên, đến giờ bà con vẫn chưa hiểu tín chỉ carbon là gì, cách đo đạc, mua bán tín chỉ ra sao? Mọi người còn mơ hồ lắm. Xã viên có nói với tôi, họ muốn khi tham gia đề án, có đầu ra ổn định cho hạt lúa chứ chưa nghĩ đến việc thu tiền từ tín chỉ carbon. Một số người cũng chưa tin tưởng nên việc vận động bà con tham gia dự án cũng gặp khó. Tôi cũng chuẩn bị tham dự một lớp tập huấn về đề án, hy vọng sau lớp tập huấn sẽ nắm rõ hơn về vấn đề này để phổ biến cho xã viên tham gia” – ông Luông cho biết.

1 triệu nông dân sẽ được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, lo lắng của bà con là hoàn toàn có cơ sở. Chính vì vậy giai đoạn 2024 – 2030, dự tính sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân. Ngoài ra, cán bộ quản lý kỹ thuật trong các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác; cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng tham gia đề án cũng được tập huấn nâng cao năng lực.

“Hiện nay, Bộ NNPTNT thành lập 4 tổ công tác, các tổ đều đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Ví dụ như tổ về quy trình kỹ thuật đã ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất lúa giảm phát thải như thế nào. Các quy trình về kỹ thuật như giống, rút nước, giảm phân bón, giảm quy trình phát thải, phát thải thấp; sau đó đo đạc thế nào để đăng ký, đánh giá giảm phát thải. Đồng thời Bộ sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực tập huấn để bà con nắm vững quy trình” - ông Thịnh nói và cho biết thêm, đề án bắt đầu ứng dụng vào ngay vụ Hè Thu năm nay ở ĐBSCL.

Một số ý kiến cũng cho rằng, khi tham gia đề án, bản thân người nông dân cũng phải nhận diện được đúng vấn đề, tính phức tạp và quy trình của nó, trên cơ sở đó chủ động tiến hành sản xuất hạ phát thải khí nhà kính trên diện tích trồng lúa. Công tác tuyên truyền phải làm tốt để người nông dân thấy được lợi ích của họ. Bởi qua phân tích của các nhà khoa học thì rõ ràng là giảm mạnh chi phí đầu vào, cái đó chính là nâng lên phần giá trị cho người nông dân. Để chủ động được thì người nông dân phải biết, phải hiểu và có sự dẫn dắt của nhà khoa học, các doanh nghiệp thì mới có thể đem lại lợi ích mà chúng ta mong muốn.

Theo Ngân hàng Thế giới, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon. Một con số rất lớn. Đặc biệt, với đề án này, Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Thanh Tiến