Nhân lên những yêu thương
Nhắc đến người Công giáo Ninh Bình không thể thiếu hình ảnh về hàng trăm giáo dân trong tỉnh đăng ký hiến tặng giác mạc, giúp người mù sáng mắt; những người giáo dân khéo tay, khéo làm, tạo công ăn việc làm cho người dân hay là mái ấm tình thương được sẻ chia với những mảnh đời khó khăn.
Những nghĩa cử cao đẹp ấy tạo nên một bức tranh đẹp, nhiều màu sắc về người Công giáo tích cực tham gia xây dựng quê hương, lan tỏa tình thương bác ái giữa người với người trong xã hội.
Cho đi là còn mãi
Tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của xã vẫn thầm lặng đến từng ngõ, xóm vận động đồng bào giáo dân, người dân đăng ký hiến tặng giác mạc, mang lại ánh sáng cho người mù.
Ông Đoàn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải cho biết, từ năm 2010 đến nay, có 991 người đã đăng ký hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời và hiện đã có 80 người hiến tặng giác mạc thành công. Đặc biệt, có gia đình có từ 2 đến 3 thành viên tự nguyện để lại một phần cơ thể của mình để giúp đời. Hiện xã Văn Hải đứng thứ hai toàn quốc về số lượng người đăng ký hiến tặng giác mạc.
Theo chân cán bộ MTTQ xã Văn Hải, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Hồng - là một trong những hộ gia đình giáo dân của Giáo xứ Văn Hải tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc. Sau khi qua đời, người chồng cùng con trai của bà Hồng đã thực hiện hiến tặng giác mạc. Bà Hồng kể lại, cách đây 7 năm khi được cán bộ Mặt trận và Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc, cả gia đình bà đã tình nguyện hưởng ứng, coi đây là việc làm bác ái, từ thiện, giúp ích cho những người còn sống có được đôi mắt để nhìn thấy ánh sáng.
Gia đình ông Phạm Huy Niên (xóm Tây Cường) là gia đình có hai thế hệ tình nguyện hiến tặng giác mạc. Ông Niên tâm sự, khi biết đến phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời thông qua việc tuyên truyền, vận động của MTTQ và Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải, ông cùng đồng bào Công giáo và nhân dân trong xóm Tây Cường tích cực hưởng ứng. Đối với ông Niên, được dành lại một phần cơ thể mình khi qua đời để đem lại ánh sáng và hạnh phúc cho những người khác là niềm vui của gia đình ông.
Ông Trần Đức Hiệp (83 tuổi) - nguyên Chánh chương Giáo xứ Văn Hải là một trong những người đầu tiên đồng hành cùng MTTQ, Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải tham gia vận động người dân đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời từ năm 2010. Nhớ lại thời điểm đó, ông Hiệp đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn, bác ái của việc hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đến giáo dân thông qua các buổi lễ, sinh hoạt của giáo xứ.
“Sau nhiều năm, ngày một nhiều giáo dân của Giáo xứ Văn Hải tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc, đó là niềm vui và cũng là động lực giúp tôi tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh phong trào cho đến ngày nay” - ông Hiệp cho hay.
Tốt đời, đẹp đạo
Bên cạnh phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc, giúp người mù sáng mắt, người Công giáo Ninh Bình còn nổi tiếng với những bàn tay khéo léo, lành nghề tạo công ăn việc làm cho người dân, hay là mái ấm tình thương được sẻ chia với những mảnh đời khó khăn.
Về thăm Giáo xứ Lãng Vân (xã Gia Lập, huyện Gia Viễn) chúng tôi được gặp gỡ nhiều tấm gương giáo dân làm kinh tế giỏi của Giáo xứ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Gia Lập, nhất là những công việc mà người có sức khỏe yếu, tuổi đã cao cũng có thể làm được như may mặc, thêu thùa…
Tiêu biểu là bà Đinh Thị Lâm (61 tuổi, trú tại thôn Nam Lãng Nội) là chủ cơ sở thêu ren Sơn Lâm. Năm 2014, bà Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Ninh Bình với nghề thêu ren. Sản phẩm “Khăn ăn thêu tay” của cơ sở thêu ren Sơn Lâm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, sản phẩm khăn túi thêu ren được cấp Giấy chứng nhận OCOP. Bà Lâm cũng được trao chứng nhận đạt giải thêu phối màu đẹp tại Cuộc thi bàn tay vàng thêu ren tỉnh Ninh Bình vào năm 2018.
Bên cạnh việc chính tay tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, cơ sở thêu ren Sơn Lâm của bà Lâm còn mở rộng phục vụ khách du lịch, trong đó có người nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm và học tập nghề thêu ren. Khách ngày một nhiều, bà Lâm lại tuyển thêm nhiều nhân sự làm việc để đáp ứng khối lượng lớn công việc. Nhờ đó, cơ sở thêu ren Sơn Lâm đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 50 người với thu nhập trung bình một tháng từ 5-6 triệu đồng/người. Không những là người giáo dân làm kinh tế giỏi, bà Lâm còn tích cực tham gia ca đoàn, phục vụ các buổi lễ, sinh hoạt đều đặn tại Giáo xứ Lãng Vân, tích cực hưởng ứng các phong trào thiện nguyện, nhân đạo của địa phương.
Linh mục Tôma Aquinô Nguyễn Bá Khuê - Chính xứ Giáo xứ Lãng Vân chia sẻ, bên cạnh việc khuyến khích đồng bào giáo dân tham gia làm kinh tế giỏi, những năm qua Giáo xứ Lãng Vân đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, vận động giáo dân sống “tốt đời đẹp đạo”, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân như phối hợp hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn xã Gia Lập, ủng hộ gạo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…
Với tinh thần “yêu thương và phục vụ”, đồng bào Công giáo tỉnh Ninh Bình luôn sẵn lòng cho đi, tình nguyện dâng hiến để giúp đời. Sự cho đi ấy như một thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương, đoàn kết, để mỗi người dân tiếp tục lan tỏa nhiều hơn nữa những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội.