Nghịch lý ngành thép
Thép Việt Nam đã có mặt tại các thị trường khó tính như Italy, Hoa Kỳ... song Việt Nam vẫn đang phải chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập thép cuộn cán nóng (HRC).
Xuất khẩu thép tăng trưởng ấn tượng 3 con số
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép đạt 1,5 tỷ USD. Mặc dù tính riêng trong tháng 2, xuất khẩu sắt thép giảm ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua, ước đạt 950 nghìn tấn, với trị giá 678 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng trước. Song, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này tăng 19,3% về lượng và 12,6% về trị giá.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 2 của Việt Nam đạt 1,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2023, lượng sắt thép xuất khẩu tăng 65%, trong khi kim ngạch tăng 66,2%.
Đầu năm 2024, xuất khẩu sắt thép tăng trưởng ấn tượng tới 3 con số đến một số thị trường như: Italy, Hoa Kỳ và Malaysia. Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2024, xuất khẩu sang Italy đạt 203 nghìn tấn, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 139 nghìn tấn, tăng 419%; Malaysia đạt 120 nghìn tấn, tăng 625%.
Từ một nền sản xuất thép quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nhập khẩu, sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển kể từ khi ra lò mẻ gang đầu tiên tại TISCO (29/11/1963), đến nay công nghiệp thép Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu thép của nền kinh tế quốc dân mà còn xuất khẩu đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng nhận định, ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ các yếu tố thuận lợi và cơ hội đến từ các thị trường xuất khẩu. Năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290 - 300kg/người, tăng mạnh so với mức 240kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Số lượng nhập khẩu vẫn lớn
Dù xuất khẩu nhiều nhưng một lượng thép từ Trung Quốc và Ấn Độ cũng tràn vào Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với thép nội. Chỉ tính riêng với sản phẩm thép cán nóng (HRC), trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn với trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép được nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập của 2 tháng.
Theo VSA, nhìn rộng ra về quãng thời gian năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới gần 8,3 triệu tấn, chiếm hơn 62% tổng lượng thép nhập khẩu. Tiếp đến là Nhật Bản 14,3%, Hàn Quốc 8,3%,…
Việc nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Tuy nhiên cũng có tình trạng một số mặt hàng thép của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đã giảm giá mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cũng thừa nhận có hiện tượng gia tăng nhập khẩu với sản phẩm thép cán nóng HRC thời gian gần đây. Hiện tại, thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam phần lớn là loại Q195 (với khoảng trên dưới 45% tùy thời điểm) với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn hàng sản xuất trong nước.
Giới chuyên gia cho rằng trong khi một số sản phẩm thép các doanh nghiệp Việt có thể sản xuất được mà tình trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn thì đó là nghịch lý. Thép nhập khẩu nhiều sẽ gây ra nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, chảy máu ngoại tệ và làm giảm thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc chi hàng chục tỷ USD nhập thép cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ.
Một số ý kiến cho rằng, trước đây, các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để đầu tư các khu luyện thép liên hợp lớn. Đến nay, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đã xuất hiện nhiều tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Sưa – nguyên Phó chủ tịch VSA, bảo vệ sản xuất trong nước cũng là bảo vệ công ăn việc làm và tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho nhà nước. Do đó việc đưa ra các công cụ bảo vệ là rất cần thiết, một mặt là bảo vệ sản xuất trong nước, mặt khác nhằm tránh nguy cơ đối mặt với các vụ kiện chống lẩn tránh khi xuất khẩu hàng hóa đi nước Mỹ và các nước EU.
Theo ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trước đây, Việt Nam không làm được thép cán nóng vì vốn đầu tư quá lớn và công nghệ yêu cầu rất cao, nhưng từ khi Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát đầu tư vào hàng tỷ USD thì họ đã làm được điều này. Khi chưa làm được thép cán nóng thì việc phải nhập khẩu là đương nhiên, nhưng hiện nay chúng ta đã sản xuất được và sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, dòng hàng này vẫn tràn vào với số lượng lớn, đặc biệt thời gian gần đây có dấu hiệu bán dưới giá thành thì cần phải cân nhắc việc mở cuộc điều tra chống bán phá giá.