Cân nhắc phương án dự phòng
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, chậm nhất vào ngày 17/4 sẽ công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 trường tư thục và trường THPT công lập tự chủ tài chính.
Năm học 2024 - 2025, các trường THPT tư thục và trường THPT công lập tự chủ tài chính được tuyển học sinh vào lớp 10 là học sinh cư trú tại Hà Nội, không phân biệt khu vực tuyển sinh. Sau khi Sở công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tư thục và trường THPT công lập tự chủ tài chính, ngày 17/4, Sở cũng công bố cổng tuyển sinh trực tuyến các trường THPT tư thục, THPT công lập tự chủ tài chính trên cổng tuyển sinh đầu cấp của thành phố (tsdaucap.hanoi.gov.vn). Học sinh đăng ký dự tuyển (theo hình thức trực tuyến) vào các trường THPT tư thục từ ngày 19/4.
Tuy nhiên, trước đó nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã tổ chức thi/xét tuyển và yêu cầu thí sinh trúng tuyển xác nhận bằng cách nộp các khoản phí đặt cọc, phí ghi danh, giữ chỗ. Tùy trường sẽ đưa ra mức phí dao động từ 1,2 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận, Sở GDĐT Hà Nội đã “tuýt còi”, yêu cầu các trường không thu khoản phí này nhưng để giảm áp lực cho cả con và bố mẹ, không ít phụ huynh chấp nhận nộp không chỉ 1 mà đến 2 trường để giữ chỗ cho con. Lý do là vì cuộc đua vào lớp 10 công lập của thành phố luôn căng thẳng khi năm nay có tới khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ khoảng 81.200 em sẽ vào học tại các trường THPT công lập. Khoảng 51.800 em sẽ được tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên cha mẹ lo lắng con trượt nguyện vọng vào trường công lập, sẽ không có được trường học đúng nguyện vọng.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), dù Hà Nội đảm bảo 100% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học sẽ được tuyển vào các trường THPT và các trường khác nhưng nguyện vọng của phần lớn phụ huynh vẫn là các trường công lập. Vì vậy, cần tăng cường việc quy hoạch, dự báo đối với tất cả các bậc học, cấp học, tính tới phương án mở rộng, xây thêm trường để giảm áp lực tuyển sinh. Đồng thời, đề xuất các cơ chế khuyến khích phát triển mô hình trường ngoài công lập, gắn với chất lượng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh.
Lưu ý với thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, Sở GDĐT Hà Nội nhấn mạnh trong Phiếu đăng ký đăng ký dự tuyển vào lớp 10, học sinh chú ý: Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.
Với những học sinh chỉ có nguyện vọng học tại trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc tư thục, mà những trường này tuyển sinh bằng cách sử dụng kết quả thi lớp 10 của Hà Nội, các em vẫn phải dự kỳ thi để có điểm xét tuyển. Trong phiếu đăng ký dự tuyển, các em ghi tên một trường THPT công lập vào mục Nguyện vọng 1 để được dự thi. Tới mục Nguyện vọng 2, thí sinh ghi "NCL", chú ý phải bằng chữ in hoa.
Căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển (trực tuyến) và chỉ tiêu của trường, nhà trường sẽ lấy học sinh có điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao và thông báo công khai cho những học sinh đã trúng tuyển thời gian mang hồ sơ đến nhập học.