Tỉnh chậm thẩm định dự toán, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiệt hại
Chưa rõ ràng trách nhiệm trong việc thẩm định dự toán dịch vụ công ích đã kéo theo hệ luỵ khiến các địa phương, đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh không tổ chức lựa chọn nhà thầu đúng thời hạn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiệt hại.
Chậm thẩm định
Các doanh nghiệp làm dịch vụ công ích (trong đó có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác) đang như “ngồi trên đống lửa” khi mà mỗi tháng phải chi trả hàng tỷ đồng tiền nhân công, chi phí vận chuyển, xử lý rác thải nhưng chưa được ký hợp đồng hoặc đã ký hợp đồng năm 2024 nhưng chưa được thanh toán những phần việc đã làm từ đầu năm đến khi được ký hợp đồng năm 2024. Nguyên nhân là do sự chậm trễ trong việc thẩm định dự toán các dịch vụ công ích để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ.
Thông lệ những năm trước đây, việc thẩm định dự toán các dịch vụ công ích được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, năm nay, khi các địa phương, đơn vị gửi hồ sơ trình Sở Xây dựng thẩm định thì Sở lại chiếu theo Luật bảo vệ môi trường trả lời thuộc thẩm quyền thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo văn bản số 6034/TNMT-BVMT ngày 2/11/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, việc địa phương gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định dự toán dịch vụ công ích là phù hợp với Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022. Tại khoản 5, Điều 79, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, quy định: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác... Nhưng đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác, nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh chưa có cơ sở để thẩm định theo quy định.
Để công tác thẩm định dự toán các dịch vụ công ích không bị gián đoạn khi triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường, từ năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo UBND tỉnh ban hành văn bản số 2119/VP.UBND-TM2, ngày 29/7/2022 chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục áp dụng các quy định hiện hành của UBND tỉnh trong thời gian Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành các hướng dẫn, định mức kinh tế, kỹ thuật theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, việc thẩm định dự toán dịch vụ công ích năm 2022, 2023 vẫn do Sở Xây dựng thực hiện, không có vướng mắc.
Thế nhưng đến năm nay, do Sở Xây dựng có ý kiến "khác" với chỉ đạo trước đây của UBND tỉnh nên việc thẩm định dự toán dịch vụ công ích bị chậm do sự "trao đổi qua lại" về trách nhiệm thẩm định khiến mất nhiều thời gian. Phải đến ngày 11/12/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh mới có văn bản số 3520/UBND-KTTC về việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong lập, thẩm định dự toán dịch vụ sự nghiệp công, sản phẩm dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giao Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện việc thẩm định dự toán chi phí các dịch vụ sự nghiệp công, sản phẩm dịch vụ công ích trên cơ sở hồ sơ dự toán do UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định. Riêng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thẩm định dự toán khi UBND tỉnh ban hành quy định mới về thẩm quyền thẩm theo quy định.
Khó về thủ tục thanh toán
Đến giữa tháng 12/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh mới “phân định” được nhiệm vụ cho đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định. Bởi vậy các công việc thẩm định, xây dựng dự toán, tổ chức đấu thầu… của các địa phương, đơn vị bị chậm theo quy định.
Qua khảo sát của phóng viên, cả 13/13 địa phương và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đều không kịp triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước năm mới 2024. Địa phương thực hiện ký hợp đồng với nhà thầu sớm nhất cũng sau tháng 1/2024. Đa phần các địa phương khác trong tỉnh đều chậm khoảng 3 tháng, cá biệt có địa phương chậm đến 4 tháng chưa ký được hợp đồng thực hiện các dịch vụ công ích.
Do đặc thù các dịch vụ công ích (đặc biệt là dịch vụ thu gom, xử lý rác thải) liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Rác thải chỉ cần 1-2 ngày không được thu gom, xử lý đã có thể trở thành vấn đề xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống người dân. Nên mặc dù chưa thực hiện được việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện nhưng các địa phương cũng không thể dừng các dịch vụ đó trong thời gian chờ thực hiện quy trình theo quy định. Chính vì thế các địa phương đều phải “động viên” các đơn vị đã ký hợp đồng năm 2023 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Anh B., một doanh nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ này cho biết: Mặc dù chưa được ký hợp đồng nhưng với trách nhiệm với địa phương nên đơn vị vẫn đảm bảo thực hiện công việc vệ sinh môi trường hàng ngày cũng như phục vụ các sự kiện đặc biệt của địa phương. Trung bình mỗi tháng chi phí nhân công, nhiên liệu… doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng. Mặc dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng huy động các nguồn lực để đảm bảo thanh toán lương và các chế độ cho người lao động.
Không chỉ doanh nghiệp của anh B. mà các doanh nghiệp làm dịch vụ công ích tại 13/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh đều phải tự bỏ kinh phí để thực hiện công việc tại địa phương.
Đại diện một đơn vị làm dịch vụ công ích khác cho biết, nếu số tiền một vài trăm triệu thì chúng tôi có thể bỏ ra hỗ trợ địa phương nhưng số tiền lên đến tiền tỷ mỗi tháng nếu không được tháo gỡ doanh nghiệp sẽ đứng trước tình trạng thua lỗ, phá sản.
Một lãnh đạo địa phương đặt vấn đề: Chỉ vì sự “lúng túng” của các sở, ngành khiến công việc đấu thầu bị chậm. Đặc thù công việc thu gom rác không thể dừng được, các đơn vị vẫn phải thực hiện công việc hàng ngày, nhưng làm sao để thanh toán khối lượng doanh nghiệp đã thực hiện khi chưa ký hợp đồng?
Trước những tình huống phát sinh nêu trên, mỗi địa phương lại có một cách xử lý để “hợp thức hoá” phần công việc doanh nghiệp đã làm. Qua tìm hiểu được biết, TP Hạ Long, TP Uông Bí thực hiện ký gia hạn hợp đồng của năm 2023 để thanh toán cho khối lượng đã thực hiện của doanh nghiệp. TP Cẩm Phả do thời gian chậm ký hợp đồng khoảng gần 1 tháng nên đã huy động nguồn lực xã hội hoá. Còn nhiều địa phương khác đang “loay hoay” chưa có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này do những vướng mắc liên quan đến quy định Luật đấu thầu, Luật ngân sách... Nhiều doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” vì không biết có được thanh toán phần việc mình đã làm trước đây hay không.
"Mặc dù rất khó khăn nhưng phía doanh nghiệp cũng đã rất trách nhiệm, chia sẻ với địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao khi chưa đấu thầu lựa chọn được đơn vị thực hiện. Giờ chúng tôi mong muốn địa phương có phương án thanh toán phần việc đã làm cho doanh nghiệp", anh B bày tỏ mong muốn.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh cho ý kiến để ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ công ích vào kỳ họp tới, tránh tình trạng tương tự xảy ra trong những năm tới.