Kinh tế

Nhiều doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng

Lê Bảo 16/04/2024 08:04

Thị trường lao động đang có xu hướng phục hồi rõ rệt. Đặc biệt thời điểm này, để chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cũng như dịp nghỉ hè, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc tuyển dụng.

anhbaitren(2).jpg
Người lao động tìm kiếm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: L.H.

Khối dịch vụ, nhà hàng “chạy đua” tuyển nhân lực

Tại phiên giao dịch việc làm quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong tổng số 57 doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển dụng với gần 4.000 chỉ tiêu thì có đến 39 DN thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 68,4%. Đơn cử như Tập đoàn Khách sạn quốc tế A25 đang tuyển số lượng lớn nhân viên ở vị trí lễ tân, buồng phòng, nhà hàng. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ở các vị trí đó, Tập đoàn này còn ưu tiên tuyển sinh viên làm bán thời gian (parttime). Nhân viên parttime sẽ làm việc 5 tiếng/ngày với mức lương 30.000 đồng/giờ, và có thể xoay ca phù hợp với lịch cá nhân.

Tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm, đại diện bộ phận tuyển dụng của Công ty cổ phần Eurowindow cho biết, dịp này, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí khác nhau, trong đó nhân viên kinh doanh với mức thu nhập từ 8-30 triệu đồng/tháng; công nhân lắp đặt có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng, yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Với những người chưa có kinh nghiệm sẽ được công ty đào tạo thêm.

Bà Trần Mai Phương - Giám sát tuyển dụng tại Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cũng thông tin, trong đợt cao điểm du lịch hè, chuỗi hệ thống của đơn vị có nhu cầu tuyển dụng khoảng 600 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu trong khối lễ tân, lao động buồng.

Ông Trần Bình Minh - Phó Giám đốc Công ty GCool Việt Nam - Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới cho biết, do mở rộng sản xuất, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm vị trí từ công nhân lành nghề, tới các vị trí kỹ sư cao cấp. “Thường với các vị trí lao động phổ thông, công ty sẽ áp dụng tất cả chế độ lương thưởng, phúc lợi cạnh tranh khoảng 7-12 triệu đồng, với các vị trí quản lý mức lương không bị giới hạn” - ông Minh chia sẻ.

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), tổng hợp các phiên giao dịch việc làm gần đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các DN phía Bắc tăng nhanh và khá ổn định. Điều này cho thấy, DN đã dần hồi phục. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng không chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước mà nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng.

Đề cập về nhu cầu tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài, bà Đỗ Thị Thanh Thủy - nhân viên tuyển dụng Công ty cổ phần nhân lực và dịch vụ Á Châu (AMASSCO) cho biết, công ty tham gia phiên tuyển dụng với hy vọng tìm kiếm được nhiều lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Theo bà Thủy, hiện công ty đang cần tuyển cả lao động kỹ thuật và lao động phổ thông. Đặc biệt, chương trình hộ lý đang rất “hot”, được nhiều lao động lựa chọn. Mức lương từ 34-36 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các chi phí ăn ở, sinh hoạt thì lao động có thể tiết kiệm được khoảng 26-28 triệu đồng/tháng. Hiện nay, công ty đã phái cử được hơn 1.000 lao động sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý.

Vẫn còn gần 34 triệu lao động chưa được thu thập thông tin

Đánh giá về thị trường lao động, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động đã có dấu hiệu hồi phục và dần lấy lại đà tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn những còn gặp bất cập, hạn chế. Đặc biệt về chất lượng “cung - cầu” để hướng đến thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, trong đó có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Thực tế hiện nay, thị trường lao động vẫn đứng trước nhiều biến động không chỉ ở vấn đề năng suất lao động thấp mà việc nắm thông tin cũng như thu thập, tổng hợp, cập thông tin về lao động vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, hiện lực lượng lao động cả nước có khoảng 52,1 triệu người, tuy nhiên, mới có trên 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được BHXH Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH. Như vậy vẫn còn gần 34 triệu lao động, chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm. Xuất phát từ thực tế này, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đang đề xuất bổ sung quy định về đăng ký lao động, bởi hiện do chưa có quy định về đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Tính đến tháng 2/2024 đã thu thập dữ liệu khoảng 22,35 triệu lao động.

Lê Bảo