Giáo dục

Trường đại học mở ngành mới: Số lượng có tăng cùng chất lượng?

Nguyễn Hoài 16/04/2024 14:19

Việc các trường đại học mở thêm ngành học mới là xu thế tất yếu song cũng dấy lên mối lo ngại về chất lượng đào tạo.

Hàng loạt “ngành 4.0”

Trong đề án tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới như: Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)…

z5314332024528_4dc7d77ca82f88ed14c379a3508718e6.jpg
Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Trong số các ngành học mới năm nay, các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch bán dẫn,… được nhiều trường hướng tới.

Có thể nhắc đến như: Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch và ngành Khoa học Công nghệ bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và thế giới.

Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng mở các ngành đào tạo mới, trong đó có các ngành công nghệ cao như: Thiết kế vi mạch - Chip bán dẫn.

Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) mở 2 chuyên ngành: Công nghệ Ô tô điện thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) mở chuyên ngành Vi điện tử-Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông).

Năm 2024, Trường Đại học Việt Đức mở một số ngành dựa trên những ngành học sẵn có. TS Hà Thúc viên – Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, trường tuyển sinh các chương trình đào tạo chuyên sâu, bao gồm: Thiết kế vi mạch thuộc ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật hệ thống vi điện tử thuộc ngành Kỹ thuật Điện và Máy tính.

Theo TS Hà Thúc Viên, các chương trình này được thiết kế để cung cấp một nền tảng vững chắc trong thiết kế và sản xuất các mạch tích hợp và hệ thống vi điện tử, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyên môn hóa trong ngành.

Cần chuẩn bị tốt các điều kiện

Việc các trường mở thêm ngành học mới là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng đang dấy lên mối lo ngại về chất lượng đào tạo.

Có thể thấy rằng, kể từ khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, đã trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ mở ngành, nội dung chương trình đào tạo.

Thực hiện quyền tự chủ, các trường đã rất nhạy bén trong việc mở các mã ngành, chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của xã hội. Theo thống kê của Bộ GDĐT, chỉ từ năm 2021 - 2023 đã có 639 ngành đào tạo trình độ đại học được mở mới tại cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ mở ngành.

Tuy nhiên, thực tế có không ít cơ sở đào tạo mở ngành theo xu thế khi chưa có đủ các điều kiện về: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Một số ngành mở mới nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”.

Đầu mùa tuyển sinh 2024, Thanh tra Bộ GDĐT đã công bố loạt kết luận liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với nhiều trường đại học.

Thanh tra Bộ GDĐT đã chỉ ra một số đơn vị thực hiện việc mở ngành chưa đúng quy định, đáng chú ý nhiều ngành học mới mở chưa được 2 - 3 năm đã phải đóng.

Khuyến khích việc các trường mở ngành bắt kịp xu thế, đáp ứng nhu cầu xã hội, song trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Phạm Đức Chính - giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, các trường cần chuẩn bị tốt các điều kiện như đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất… thì khi đó mới mở ngành mới và bắt tay vào đào tạo, chứ không thể đốt cháy giai đoạn hay nóng vội trong đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, cơ sở đào tạo nào có cơ hội cũng sẽ tìm cách mở ngành theo xu thế. Nếu các trường mở ngành ồ ạt mà không chuẩn bị đủ về nguồn lực thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu đội ngũ giảng viên, không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trong điều kiện hiện nay, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm: “Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GDĐT cần kiểm định chất lượng, sớm quy hoạch mạng lưới, chỉ nên tập trung cho một số cơ sở đào tạo bảo đảm được các tiêu chuẩn chất lượng và khống chế bằng văn bản, tránh tình trạng “ếch vồ hoa”, mở ngành theo mốt thời thượng”.

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h ngày 30/7.

Trước xu thế mở ngành hiện nay, các chuyên gia lưu ý, khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành, các thí sinh nên cân nhắc, thận trọng. Các em không nên nóng vội, chạy theo mốt mà cần tập trung vào năng lực bản thân từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề và trường đại học có thể đáp ứng tốt nhất.

Nguyễn Hoài