Ninh Bình: San lấp ao hồ tràn lan, Tràng An đối diện nguy cơ ngập úng
Nhiều ao, hồ đang bị san lấp, lấn chiếm. Đây là câu chuyện không mới nhưng vẫn đang là bài toán nan giải của nhiều chính quyền địa phương. Việc các ao, hồ bị san lấp, lấn chiếm có thể dẫn đến ngập úng hàng loạt. Tràng An- Ninh Bình cũng là một trong những địa phương có nhiều ao, hồ bị san lấp.
Hiện nay trong vùng lõi di sản Tràng An xảy ra tình trạng một số người dân tự ý làm thay đổi hiện trạng sử dụng diện tích ao, hồ. Một số khu dân cư trong vùng lõi di sản Tràng An thường xuyên bị ngập úng khi mùa mưa đến.
Việc san lấp ao hồ gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt; giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng tình trạng ngập, úng; giảm khả năng trữ nước mưa...
Chính sách cho phép chuyển đổi diện tích ao hồ thiếu kiểm soát tại các chi nhánh đăng ký đất đai, cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng từ đất ao sang đất trồng cây. Đặc biệt trong vùng lõi di sản Tràng An đang bị người dân lợi dụng biến tướng dần thành công trình nhà ở hoặc kinh doanh homestay khiến cho việc kiểm soát trật tự xây dựng trong vùng lòi di sản ngày càng khó khăn. Trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, tình trạng lấn chiếm, san lấp ao, hồ, xây dựng trái phép vẫn liên tục diễn ra.
Di sản Tràng An của Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định sổ 230/QĐ-TTG ngày 4/2/2016 về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An Ninh Bình. Danh thắng được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới vào năm 2014.
Từ khi danh thắng được công nhận, Ninh Bình thu hút lượng lớn khách du lịch, góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng về kinh tế cho tỉnh Ninh Bình. Trước đây, chỉ có khoảng 20 cơ sở được đăng ký trên các trang đặt khách sạn trực tuyến của quốc tế, hiện nay con số này đã tăng lên gần 600 cơ sở.
Tuy nhiên để phát huy tiềm năng di sản một cách bền vững thì lãnh đạo địa phương cần có những quyết sách phù hợp với tình hình thực tế, có tầm nhìn phát triển bền vững, quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ ao, hồ.
Xử phạt nghiêm nguồn nước thải không qua xử lý ở các khách sạn homestay thải tự nhiên ra môi trường. Kiên quyết với các trường hợp vi phạm, biến đất ao thành nhà ở, không cho tồn tại hay “hợp thức hóa” vi phạm.
Bên cạnh đó, cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm kéo dài. Đặc biệt là triệt tiêu được những nguy cơ nảy sinh tình trạng lấn chiếm ao, hồ và xây dựng trái phép xảy ra đối với di sản Tràng An.
Việc chuyển đổi đất ao sang đất trồng cây lâu năm phải được quản lý chặt, phù hợp với tình hình địa phương đặc biệt không phá vỡ di sản. Hiện nay việc chuyển đổi mục đích từ đất ao sang đất trồng cây đang có dấu hiệu bị một số hộ dân lạm dụng, biến tướng, nhiều công trình sai phép mọc lên gây khó khăn cho công tác quản lý tại cơ sở.