Xã hội

Tận dụng rác thải nhựa: Tại sao không?

HÀ AN 17/04/2024 10:55

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa khi mà khối lượng rác thải, bao bì nhựa gia tăng đáng báo động, song việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa còn rất hạn chế...

baitren.jpg
Thu gom rác thải nhựa ven biển Côn Đảo. Ảnh: Nam Anh.

Công nghệ tái chế phát triển chưa tương xứng

Hiện nay rác thải nhựa, bao bì nhựa… vẫn chủ yếu được chôn lấp, đốt hoặc thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Chỉ một số loại bao bì nhựa có giá trị được thu gom, tái chế, nhưng chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách, quy định để tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Đặc biệt là chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR); đồng thời, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cộng đồng đã có nhiều hoạt động tích cực, sôi nổi, thiết thực để giảm thiểu, chống rác thải trên khắp cả nước.

Tại một số địa phương, DN, tổ chức xã hội, cộng đồng đã có những mô hình, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, đưa ra các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thúc đẩy tuần hoàn nhựa. Đặc biệt là các mô hình thúc đẩy tuần hoàn nhựa trong khuôn khổ hợp tác công - tư của các DN. Tuy nhiên việc xử lý rác thải nhựa vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là do việc phân loại rác đầu nguồn vẫn chưa được thực hiện triệt để. Cùng với đó ngành công nghiệp tái chế vẫn chưa thực sự phát triển, chưa biến rác thải thành nguồn nguyên liệu. Trong khi đó ở nhiều nước, rác thải đã trở thành nguồn tài nguyên tạo ra sản phẩm xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.

Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa, do Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25 - 30% so với sản phẩm nhựa thông thường.

Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi ni lông và hơn 80% số này bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển.

Thị trường tiềm năng

Được biết, từ ngày 1/1/2024, các DN sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách 24 đơn vị tái chế đủ năng lực tái chế nhiều loại sản phẩm, bao bì, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Với quy định mới, các DN nhập khẩu có sản phẩm tiêu dùng trên thị trường nội địa phải thu gom và liên hệ với các đơn vị thu gom để mua tín chỉ rác thải theo tỷ lệ quy định. Chưa hết, bên bán cũng phải chứng minh được năng lực thu gom đáp ứng nhu cầu đó. Tỷ lệ thu mua rác thải sẽ thay đổi sau 3 năm. Đây được xem là động lực để ngành công nghiệp tái chế phát triển.

Ở góc độ DN, ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững nhựa tái chế Duy Tân cho rằng, nhiều người đang nghĩ tái chế là trách nhiệm của các DN, các nhà sản xuất nhưng thực tế đây chính là cơ hội, một thị trường nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp tái chế phát triển mạnh mẽ hơn cần thực hiện tốt hơn việc phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia ở Đông Nam Á đang gặp phải vấn đề tồn tại là phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt. “Chúng tôi thu về 100 tấn nhựa nhưng chỉ 50 tấn có thể tái chế thành chai nhựa, còn lại phải tái chế thành các sản phẩm khác như xơ sợi, dệt vải. Việc phân loại không tốt khiến chất lượng chai nhựa thu được chưa cao làm giảm tỷ lệ tái chế từ chai nhựa thành chai nhựa” - ông Lê Anh cho hay.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế phát triển cũng như hướng đến nền sản xuất xanh, thì việc đổi mới tuần hoàn nhựa trong cộng đồng DN rất quan trọng. Xuất phát từ thực tế này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhằm tìm kiếm, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa. Với đối tượng tham gia là các cá nhân và tổ chức có sản phẩm hoặc dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực thu gom, và tái chế chất thải nhựa. Chương trình đồng thời khuyến khích lan tỏa và đầu tư cho các sáng kiến, giải pháp mới về thu gom, phân loại, cũng như tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam.

Giới chuyên gia đánh giá, các giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững tại Việt Nam.

HÀ AN