Mặt trận

Hào hùng ký ức Điện Biên

Vũ Mạnh - Tiến Đạt - Quang Vinh 17/04/2024 13:08

70 năm trôi qua, ngày 17/4, tại Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên đã được trở về chiến trường xưa tri ân những người đã ngã xuống và gặp lại đồng đội cùng chung chiến hào Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam… trong niềm xúc động, nghẹn ngào.

7ad812d5afaf01f158be.jpg
Ông Bùi Kim Điều phát biểu tại chương trình. Ảnh: Quang Vinh.

Là người đã trực tiếp làm giao liên, truyền tin nhiệm vụ bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập trong chiến dịch 56 ngày đêm với cựu chiến binh Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312, những ký ức năm xưa dường như vẫn vẹn nguyên.

Ông Bùi Kim Điều kể lại, đúng 17 giờ (ngày 13/3/1954) sau mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt, đến 23 giờ 30 phút quân ta đã giành thắng lợi tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 200 tên địch, bắt 370 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị...

7 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng nề, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi. Sau đó, đơn vị ông lại được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập, lúc này do bom đạn phá huỷ làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn của trung đoàn (kí hiệu là Nam Ninh) gửi cấp tốc xuống 3 tiểu đoàn kí hiệu: Nam Kế, Nam Tiến, Nam Thắng, lúc đó ông cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn.

“Từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chỗ xa nhất 3 km chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của đạn pháo binh. Lúc này có 2 đồng chí bị thương, còn lại một mình tôi, lúc đó tôi lo nhất là không mang kịp công văn đến các tiểu đoàn, trong đầu chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hoả tốc và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Bùi Kim Điều nhớ lại.

Chiến dịch giành thắng lợi, ngày 13/5 đơn vị của ông được vinh dự mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì và được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích vì được tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia đánh trận mở màn với thắng lợi vang dội. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã trực tiếp cùng đơn vị bắt sống tướng Đờ Cát - xtơ - ri. Đơn vị có 5 anh hùng được tuyên dương, Đại đoàn được Bác Hồ uỷ nhiệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ quyết chiến, quyết thắng. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn lên nhận lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Bác Hồ

“Chúng tôi, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, xin hứa với Anh linh các anh hùng liệt sỹ, với đồng chí, đồng đội của mình, với Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục phát huy tốt bản chất, truyền thống của người chiến sỹ cách mạng, giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” thực sự là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ học tập, noi theo, góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với tầm vóc lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng” người chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều xúc động nói.

1cebefb3d7b679e820a7.jpg
Ông Dương Chí Kỳ phát biểu tại chương trình. Ảnh: Quang Vinh.

Vượt hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến với Điện Biên, với người cựu chiến binh Dương Chí Kỳ (90 tuổi) chuyến đi này có thể là lần cuối trở lại chiến trường xưa.

Xúc động kể về những ký ức của 70 năm về trước, ông Dương Chí Kỳ nhớ lại, năm 1953 ông cùng các thế hệ thanh niên thời ấy nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ xếp bút nghiên tình nguyện nhập ngũ vào quân đội. Được trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, ông nhận nhiệm vụ là pháo thủ súng cối 82 ly. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông và các đồng đội tham gia vào trận tổng công kích cuối cùng, làm hầm, làm đường giao thông hào vào cứ điểm A1, đưa súng cối 82 ra trận địa.

“Trận chiến đấu diễn ra từ tối ngày mùng 5/5 tới trưa ngày 7/5 quân Pháp đầu hàng, quân ta đại thắng vẻ vang. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Ngay trong đêm 7/5, tôi và các đồng đội thu quân về đơn vị, thu chiến lợi phẩm và sau đó áp giải tù binh về miền xuôi” ông Kỳ tự hào nói.

Sau đó ông Kỳ tiếp tục có cơ duyên gắn bó với mảnh đất Điện Biên khi năm 1978, đơn vị ông tiếp tục được giao nhiệm vụ trở lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa để thu dọn chiến trường, lấp giao thông hào, thu dây thép gai cùng tham gia xây dựng nông trường Điện Biên Phủ.

“Đã 70 năm tôi rất nhớ và biết ơn các chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và nhiều tỉnh thành khác ở miền Bắc. Các anh chị rất dũng cảm, với đầu trần chân đất, áo mộc đã khiêng vác, gánh gồng đạn dược, thồ gạo vật tư, gạo ra chiến trường. Nhờ lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội chính quy có đầy đủ cơm áo, súng đạn để chiến đấu. Từ đó, quân đội ta đã có đợt tổng công kích đánh vào đồi A1 và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” ông Dương Chí Kỳ tâm sự.

img3927-1-17133264635701057703594.jpg
Những giọt nước mắt xúc động của các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhắc lại tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Dương Chí Kỳ tự hào, 70 năm đã qua, Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, ánh điện đã rọi sáng đến từng thôn bản. Là một nhân chứng lịch sử, trở lại chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng đồng đội cũ, ông chỉ mong hế hệ con cháu các dân tộc Tây Bắc, cháu chắt của Bác Hồ học tập rèn luyện, noi gương các anh hùng liệt sĩ năm xưa, rèn luyện, tu dưỡng, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ đưa quê hương Điện Biên Phủ ngày càng khang trang hơn nữa, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người lính Điện Biên năm xưa.

Nói về tâm nguyện của mình, ông Dương Chí Kỳ cho biết, ông chỉ có một ước nguyện, những liệt sĩ Điện Biên được quy tập, nhang khói đầy đủ, những thương binh, bệnh binh Điện Biên Phủ được chăm lo để có cuộc sống hạnh phúc.

“Chia tay Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1, chia tay đồng đội, tôi lại trở về TPHCM xa xôi, xin gửi lại đây nghĩa tình với mảnh đất Điện Biên”, cụ Dương Chí Kỳ xúc động nói.

Vũ Mạnh - Tiến Đạt - Quang Vinh