Văn hóa

Tôn vinh các tác phẩm tranh cổ động

Hoàng Minh 17/04/2024 14:08

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, ngày 17/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 2 sự kiện lịch sử đặc biệt của dân tộc.

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức phát động từ ngày 24/10/2023 đến hết ngày 10/12/2023. Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 2 cuộc thi. Kết thúc cuộc thi, Hội đồng Nghệ thuật đã tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc để trao giải và triển lãm.

a1(1).jpg
Trao giải Nhất cho 2 tác giả xuất sắc của 2 cuộc thi.

Cụ thể, cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có 70 tác phẩm được tuyển chọn triển lãm, trong đó có 16 giải thưởng gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 1 giải Phong trào. Giải Nhất được trao cho tác phẩm “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ” của tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình).

Còn ở cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn có 65 tác phẩm được lựa chọn trưng bày và 17 giải thưởng được trao. Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Chào em cô gái mở đường” của tác giả Phạm Bình Định (Hà Nội). Ngoài ra, BTC còn 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 1 giải Phong trào cho các tập thể, cá nhân xuất sắc.

a2(1).jpg
Tác phẩm “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ” của tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình).

Phát biểu tổng kết 2 cuộc thi, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy bày tỏ, các tác phẩm đạt giải đã đáp ứng tốt về mỹ thuật, thể hiện được nội dung tuyên truyền, yêu cầu của cuộc thi, các tranh dự thi có chất lượng nghệ thuật cao.

Thông qua ngôn ngữ và hình ảnh, các tác phẩm đã truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc nhằm tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Chiến thắng Điện Biên Phủ và thành quả xương máu của quân và dân ta xây dựng lên con đường huyết mạch nối liền Nam Bắc - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn đến công lao to lớn của các cha anh sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở hai cuộc kháng chiến, đồng thời phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong thời kỳ mới.

a3(1).jpg
Tác phẩm “Chào em cô gái mở đường” của tác giả Phạm Bình Định (Hà Nội)

Cũng theo Phó Cục trưởng, năm tháng trôi qua, nhưng kỳ tích về Chiến thắng Điện Biên Phủ - đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh - dấu ấn về một thời kỳ chói lọi của cách mạng Việt Nam mãi là niềm tự hào và đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Tầm vóc to lớn và những bài học quý báu của chiến thắng Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn có giá trị thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Minh