Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp 26 ngày, xem xét 40 nội dung
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Ngày 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị: Tăng thời gian thảo luận ở hội trường của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lên 1 ngày; Bố trí thảo luận nội dung về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, do kết quả thực hiện năm 2023 là năm bản lề để đánh giá sơ bộ việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 và đưa ra những dự báo và giải pháp để đạt được mục tiêu năm 2030.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý với đề nghị của Thường trực Ủy ban Xã hội về thời gian thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đối với nội dung về kết quả thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến có thể bố trí thảo luận nội dung này cùng với các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về kinh tế - xã hội. Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp thu và thể hiện trong dự kiến chương trình chi tiết của Kỳ họp.
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị bố trí Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường 2 nội dung về việc xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV) và kết quả công tác rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính.
Về 2 nội dung này, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tại phiên họp thứ 33 (tháng 5/2024). Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý chương trình Kỳ họp trên cơ sở ý kiến của Ủy Thường vụ Quốc hội.
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị giảm 0,5 ngày (xuống còn 2 ngày) đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Song theo ông Cường: Theo quy định của Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, thời gian chất vấn tại kỳ họp hằng năm ít nhất là 3 ngày. Tuy nhiên, theo thông lệ tại các kỳ họp gần đây, Quốc hội đều dành 2,5 ngày cho hoạt động này và qua đánh giá của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá kết quả kỳ họp thì việc bố trí thời gian 2,5 ngày là phù hợp. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giữ nguyên việc bố trí thời gian 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp như dự kiến.
Bên cạnh đó, có 6/10 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Có 10/11 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Cùng với đó là Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 27/6. Trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy (ngày 25/5 và ngày 8/6).
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể: Đợt 1 là 17 ngày: Từ ngày 20/5 đến 8/6. Đợt 2 là 9 ngày: Từ ngày 17/6 đến 27/6.