Kinh tế

Khu công nghiệp sinh thái: Giải pháp phát triển bền vững

K.Lê-M.Sang 19/04/2024 06:45

Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia tham gia Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Điều này giúp đất nước hướng đến mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

anh-cv.jpg
Xây dựng và chuyển đổi sang mô hình Khu công nghiệp sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội (Trong ảnh: Khu công nghệ cao TPHCM). Ảnh: Thành Luân.

Hải Phòng nhiều năm nay đã tập trung xây dựng khu công nghiệp (KCN) sinh thái; thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái tại khu công nghiệp DEEP C và Nam Cầu Kiền, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hưởng lợi nhờ triển khai KCN sinh thái

Công ty cổ phần KCN Đình Vũ (thuộc khu công nghiệp DEEP C) là KCN đầu tiên tại Hải Phòng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) lựa chọn thí điểm chuyển đổi mô hình KCN hiện tại sang KCN sinh thái. Đến nay, tại KCN này đã triển khai Dự án pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của khách hàng, dự án điện gió đã chạy thử tháng 11/2021, có kế hoạch thay thế xe thu gom rác chạy xăng, dầu bằng xe điện.

Cũng nhờ phát triển KCN sinh thái nên DEEP C nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhà đầu tư, khách hàng và đối tác có ý thức bảo vệ môi trường. Trong số 14 KCN tại Hải Phòng, tập đoàn SK của Hàn Quốc đã quyết định lựa chọn DEEP C để thành lập nhà máy sản xuất nguyên liệu có thể phân hủy sinh học (PBAT, PBS, PBATS) với tổng vốn hơn 500 triệu USD trên diện tích 3,2ha. Trong năm 2023, DEEP C đã ký kết 21 hợp đồng với tổng diện tích hơn 126ha đất cho thuê.

KCN DEEP C là một trong những KCN được hưởng lợi từ khi tham gia vào Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”. Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KHĐT) Lê Thành Quân cho biết, ban đầu giai đoạn 2015-2019, mô hình KCN sinh thái tổ chức thí điểm tại 4 KCN (Khánh Phú, Gián Khẩu tại Ninh Bình, Hòa Khánh tại Đà Nẵng và Trà Nóc 1 và 2 tại Cần Thơ). Nhưng từ tháng 5/2020, khi triển khai dự án, mô hình KCN sinh thái đã được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai, TPHCM. Đến nay, Bộ KHĐT và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên, trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp (DN) triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.

Phản hồi từ các địa phương cũng cho thấy, những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ triển khai dự án KCN sinh thái sẽ góp phần nhân rộng việc thực hiện mô hình này để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam. Kể từ năm 2015, khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm KCN sinh thái tại Việt Nam đến nay, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp Nghị định của Chính phủ (trước đây là Nghị định số 82/2018 và hiện nay là Nghị định số 35/2022); lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện. Đây là kết quả quan trọng, đặt nền tảng cho việc triển khai thực hiện chuyển đổi cũng như xây dựng mới các KCN theo mô hình sinh thái tại Việt Nam.

anh-bai-tren(1).jpg
Khu Công nghiệp Sinh thái Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng). Ảnh: Nam Anh.

Gỡ rào cản thủ tục

Có thể thấy việc xây dựng và chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho phát triển công nghiệp, là yêu cầu bức thiết, xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp hiện nay, tuy nhiên, nó không hề dễ dàng và vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ở góc độ DN, chia sẻ về những khó khăn, bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho biết, đầu tiên là vấn đề về nguồn vốn, tài chính. Chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong khi nguồn lực của DN có hạn. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến việc xây dựng, phát triển các KCN sinh thái còn thiếu và chưa thống nhất gây cản trở cho các KCN trong việc chuyển đổi mô hình phát triển.

Theo bà Loan, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần tái sử dụng tài nguyên nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư, bản thân các KCN gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế, do các quy định pháp luật chưa có những quy định cụ thể về việc KCN có được thu hút các ngành nghề đó không. Chưa kể, nếu thu hút các ngành nghề đó thì các KCN phải thay đổi toàn bộ hệ thống giấy tờ như báo cáo đánh giá tác động tài nguyên, môi trường, các loại giấy phép về môi trường… điều này cũng gây tốn kém thời gian, chi phí của DN.

Từ thực tế triển khai hỗ trợ DN áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong sáng kiến KCN sinh thái, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) Lê Xuân Thịnh cho rằng, để khuyến khích DN tham gia, cần dỡ bỏ các rào cản trong thực hiện các giải pháp tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó, các DN khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu thông tin, thời gian xem xét kéo dài nên cũng cần tháo gỡ vấn đề này. Song song với đó, cần phát huy vai trò của ban quản lý KCN, công ty hạ tầng trong việc kết nối thông tin, thuyết phục DN tham gia áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Bàn về cơ chế vốn cho các KCN, ông Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, để khuyến khích DN tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái thì việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái là rất cần thiết.

Theo ông Nghĩa, hiện nay, nguồn vốn dành cho phát triển các KCN sinh thái vẫn còn hạn chế. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình KCN sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này cũng có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh đang ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Nhìn nhận việc chuyển hướng sang KCN sinh thái không ít thách thức song theo lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế, việc chuyển đổi sang KHCN sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho phát triển công nghiệp, là yêu cầu bức thiết, xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp hiện nay. Tuy rằng không hề dễ dàng và vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó, cần phải tiếp tục đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý, còn đòi hỏi thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực rất lớn của Nhà nước và DN.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình lấy ý kiến tham vấn dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong đó áp dụng thử nghiệm bộ 23 chỉ số khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam, trong đó 12 chỉ số tham khảo từ Khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái. Khung pháp lý Việt Nam dần thu hẹp khoảng cách đáng kể với khung quốc tế, điều này được kỳ vọng cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái trong tương lai.

Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp tiếp cận chính sách

anh-bai-duoi.jpg

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hệ thống KCN và khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển DN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia phát triển quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đề ra những tiêu chuẩn mới liên quan đến chuỗi cung ứng, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng… thì tỷ lệ ban hành chính sách phát triển theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) ở Việt Nam còn khá thấp.

Khảo sát của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường công bố mới đây cho thấy, 50% KCN “chưa nghe đến” khái niệm KCN phát triển bền vững. 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.

Kết quả khảo sát trên cho thấy, những điểm nghẽn về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững cần được chỉ rõ, để từ đó tạo thành những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam.

L.H

K.Lê-M.Sang