Tinh hoa Việt

Bình dân hay cao cấp là ở cách làm và nghệ thuật

Việt Quỳnh (thực hiện) 19/04/2024 08:16

Nhà nghiên cứu Trần Hinh chia sẻ: "Bộ phim “Muôn vị nhân gian” của Trần Anh Hùng, rất may mắn tôi đã được xem. Bản thân tôi cũng như một số bạn quan tâm tới điện ảnh thì cho rằng đây là một bộ phim tốt.

434180686_1361182107895314_1527116710095177134_n-copy.jpg
Nhà nghiên cứu Trần Hinh.

Tôi nghĩ một bộ phim tốt, nghĩa là nó tốt từ khâu ý tưởng, kịch bản, hình ảnh, quay phim và vấn đề diễn xuất. “Muôn vị nhân gian” đạt được các tiêu chí đó. Tôi không nghĩ phim ảnh có vấn đề đề tài bình dân hay cao cấp. Thực ra, bình dân hay cao cấp là ở cách làm, ở nghệ thuật.

Tuy nhiên, sau khi bộ phim được trình chiếu ở Việt Nam, nó cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường. Vấn đề đông hay vắng người xem là do ý thích riêng của khán giả. Ở đâu cũng thế, khán giả bao giờ cũng có hai loại: Thứ nhất là những người xem “hàn lâm”. Tôi tạm gọi như vậy. Tức là những người hiểu biết điện ảnh. Họ đánh giá bộ phim từ góc độ nghệ thuật. Thứ hai là khán giả đại chúng, hay có người gọi đó là khán giả bình dân. Đi xem phim, với họ chỉ là cuộc giải trí thuần túy. Nếu hợp với thị hiếu thì họ ngồi xem. Nếu không họ sẽ bỏ rạp. Tôi thực sự không hiểu là khán giả này ở Việt Nam rất đông, mà số đông ấy đa phần lại là trẻ. Điều này, tôi nghĩ có một phần do lỗi từ khâu đào tạo điện ảnh cho người xem.

Ở Mỹ, gần như trường đại học nào cũng có từ một đến hai khoa, thậm chí nhiều hơn đào tạo điện ảnh. Người học ở đó cũng rất đa dạng. Họ học không chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là làm điện ảnh. Vì dù là Mỹ, cũng đâu có nhiều công việc điện ảnh để làm đâu. Mà cái chính họ học là để hiểu biết, để được trang bị những kiến thức cơ bản khi xem một bộ phim.

Ở ta, thì rất lâu, chỉ có cơ sở đào tạo điện ảnh ít ỏi. Nay mới có thêm một số đơn vị đào tạo riêng lẻ khác. Tôi biết đào tạo điện ảnh là một việc làm tốn kém. Ở ta, cũng có thể vì nghèo, việc đào tạo điện ảnh không được coi trọng.

Tôi đồng ý với nhận xét rằng ở ta, hoạt động phê bình điện ảnh vẫn còn rất hạn chế. Điều đó đúng.

Mặc dù, ta có hẳn một Hội điện ảnh. Cũng có đủ các ban bệ. Rồi còn ở các trường. Nhưng tại sao, lúc nào ta cũng cảm thấy nó thiếu và yếu. Vì hình như người yêu thích điện ảnh ở ta, vẫn chỉ coi diễn viên, diễn xuất điện ảnh mới là số một. Trong khi điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Nó vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật, vừa sản xuất, phát hành, trình chiếu. Rồi trong đó còn các thứ như quay phim, trang phục, viết kịch bản...

Chỉ nói riêng giữa hai khâu: viết biên kịch và phê bình điện ảnh, ở dự án điện ảnh của tôi trước đây, việc lựa chọn học biên kịch vẫn được ưu tiên hơn cả. Rồi kể cả sau khi học phê bình xong, học viên họ vẫn cảm thấy khó tìm thấy lối ra. Mặc dù trên báo chí hiện nay, vẫn có những mục viết dành riêng cho phê bình điện ảnh.

Nhưng để có một bài viết phê bình cho ra hồn, cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức, mà trước hết phải có tiền mua vé vào rạp xem phim, phải xem đi xem lại không chỉ một lần… Tất cả những khó khăn đó chính là rào cản ngăn người ta đến với những hiểu biết đúng đắn về điện ảnh.

cover-canh-phim-muon-vi-nhan-gian-dao-dien-tran-anh-hung-3.jpg
Cảnh trong phim “Muôn vị nhân gian” của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Khoảng năm 2003, Quỹ Ford tại Việt Nam đề xuất tài trợ cho khoa Văn học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) dự án đào tạo điện ảnh.

Cụ thể là Biên kịch và Lý luận phê bình điện ảnh. Thời điểm ấy, nhà nghiên cứu Trần Hinh đang là Chủ nhiệm bộ môn Văn học phương Tây, dạy văn học Pháp, trong đó có chuyên đề Điện ảnh trong văn học, ông được cử làm chủ nhiệm dự án điện ảnh. Ban đầu phải lo đủ thứ: sách vở, tài liệu, phòng học, mời giáo viên. Rất may, lúc đó Ford đã giới thiệu cho ông một chuyên gia điện ảnh người Mỹ làm tư vấn. Việc chọn sách, soạn thảo chương trình, lên ý tưởng thiết kế phòng học, phòng chiếu phim, mua sắm thiết bị, mời giảng viên bên ngoài, đặt tiêu chí chọn học viên.

Một lớp học với 30 học viên (tất cả đều đã tốt nghiệp khoa Văn) chính thức được vận hành. Lớp học được kéo dài chừng 6 đến 7 năm. Ban đầu chỉ sinh viên Văn mới được tham gia lớp. Nhưng sau đó, tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học, yêu và hiểu biết điện ảnh đều được tham gia tuyển chọn:

“Về giáo viên thường xuyên, chúng tôi mời các nhà điện ảnh chuyên nghiệp trong nước, có tên tuổi như đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, Phạm Nhuệ Giang, Phan Đăng Di, Đoàn Minh Tuấn… và các giáo sư giảng dạy ở nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc. Khóa học diễn ra trong 10 tháng thì có 6 tháng học trên lớp, 4 tháng học thực tế. Các môn học chính được thiết kế gồm: Lịch sử điện ảnh thế giới, Nghệ thuật điện ảnh, Biên kịch điện ảnh, Lý luận phê bình điện ảnh…

"Chất lượng học sinh hồi đó được đào tạo rất tốt. Khá nhiều bạn ngay từ khi học đã bắt đầu viết kịch bản. Bây giờ thì lực lượng học viên tốt nghiệp hồi ấy đã mạnh hơn rất nhiều. Họ là một trong những nhóm kịch bản chủ chốt của Hãng phim truyền hình Việt Nam. Ngoài ra họ còn viết kịch bản điện ảnh. Tôi nói ví dụ: Phim “Em và Trịnh” là do một học viên tốt nghiệp khóa 1 viết kịch bản.

Sau khi dự án kết thúc, chúng tôi vẫn duy trì mở các lớp biên kịch ngắn hạn 3 tháng một cho những ai thích học. Bây giờ, một chương trình đào tạo dài hạn sẽ chính thức được vận hành ngay tại khoa Văn học. Khoa từ nay sẽ có 3 chuyên ngành cùng lúc đào tạo: Văn học, Hán Nôm, Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Mục tiêu đặt ra ban đầu như thế coi như đã đạt được.

Chúng tôi hy vọng, sau khi chuyên ngành đào tạo dài hạn Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng được chính thức vận hành ở khoa Văn, chúng tôi sẽ có may mắn được chung vai gánh vác với các đồng nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tạo ra được những khán giả xem phim tốt nhất cho nền điện ảnh nước nhà".

Cuối tháng 3 vừa qua, bộ phim “Muôn vị nhân gian” (The Taste of Things) được công chiếu tại Việt Nam.

Đây là bộ phim đã mang về cho đạo diễn Trần Anh Hùng nhiều giải thưởng hàn lâm trên khắp thế giới, trong đó có giải Cannes 2023 cho Đạo diễn xuất sắc nhất. “Muôn vị nhân gian” cũng là phim đại diện Pháp tham dự Oscar 2024. Tuy nhiên, bộ phim lại không nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ công chúng Việt Nam.

Việt Quỳnh (thực hiện)