Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm học đường
Bước vào tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024, Hà Nội và TPHCM đều chú trọng tăng cường giám sát các bếp ăn tập thể, hàng quán trước cổng trường học.
Cụ thể, từ ngày 15/4, Hà Nội đã triển khai thành lập 4 đoàn kiểm tra ATTP toàn thành phố. Các đoàn tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thực phẩm, nông sản thực phẩm. Báo cáo kết quả kiểm tra, các đề xuất, kiến nghị về Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố). Việc kiểm tra công tác ATTP đang được tiến hành từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2024.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến. Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành Y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
Nhân dịp này quận Ba Đình đặt nhiệm vụ trọng tâm là triển khai mô hình ATTP tại 100% cơ sở giáo dục, với mục tiêu tăng cường kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể, căng tin ăn uống tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Tại lễ phát động Tháng ATTP vừa qua, bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình yêu cầu học sinh không thực hiện mua bán thực phẩm quanh cổng trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ; các đơn vị cần xử lý nghiêm trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP ngoài cổng trường.
Tại TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm cho biết, nơi đây là đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến và nông sản nên công tác bảo đảm ATTP luôn là mối lo thường trực được cộng đồng và lãnh đạo cơ quan các cấp quan tâm. Bà Lan khẳng định Tháng hành động vì ATTP không có nghĩa là chỉ tập trung vào mỗi tháng này mà công tác đảm bảo ATTP là công tác thường xuyên, liên tục suốt năm, từ đợt này sang đợt khác với nhiều mũi nhọn.
Theo đó, Tháng cao điểm hành động vì ATTP sẽ tập trung vào 3 mảng hoạt động chính. Thứ nhất là tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các ngành, các cấp. Thứ hai là tiến hành phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm. Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, công ty, bệnh viện, doanh nghiệp, khu chế xuất... Những bếp ăn tập trung nhiều người cần đạt các chuẩn và các quy trình đảm bảo ATTP. Bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thứ ba là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là người tiêu dùng và người hành nghề. Cần nâng dần ý thức của người dân, lo lắng tới vấn đề ATTP là tự lo cho mình và gia đình.
Trước nguy cơ về mất ATTP hiện hữu, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay thực phẩm cũng đang là một trong những mặt hàng được kinh doanh thông qua hình thức online. Điều này rất khó kiểm soát chất lượng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ATTP, thực phẩm giả, kém chất lượng. Vì vậy các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa vấn đề ATTP trong và xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.